Tuổi trẻ Báo SGGP tiếp nối để trưởng thành

Họ đã có những ngày “cháy” hết mình để bắt kịp từng khoảnh khắc tinh túy nhất của dòng chảy thời sự và chọn kể những câu chuyện thông tin bằng ngòi bút trẻ chân thành. Đó là “chân dung” về một thế hệ nhà báo trẻ của Báo SGGP: Năng động, nhiệt thành, thạo nghề và tử tế. Ở ngôi nhà chung, họ là tương lai của chúng tôi, của Báo SGGP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Không ngại khó, làm nghề chân thành

“Hường không có gì nhiều để nói về mình. Hành trình gắn bó với báo, mình chỉ là đang trưởng thành, chưa phải cây bút xuất sắc, giỏi giang như nhiều bạn khác”, Thu Hường, phóng viên Ban Chính trị - Xã hội, vẫn luôn khiêm tốn như thế. Cộng tác, gắn bó với Báo SGGP hơn 14 năm, từ những ngày còn là sinh viên báo chí đến khi trở thành phóng viên chủ lực của Ban Chính trị - Xã hội, “máu” mê nghề của Thu Hường chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Những vệt, loạt bài lập luận sắc sảo, có chiều sâu, tạo hiệu ứng xã hội là thế mạnh của nữ phóng viên này.

Khi còn tập sự ở Ban Công tác Bạn đọc - Chương trình xã hội, dù là nữ, Hường không ngại “lăn lộn” ở cơ sở để thu thập đủ chứng cứ, cơ sở cho các loạt bài điều tra hoặc phản biện sắc nét. Đó là những đề tài gai góc: Hàng đa cấp bủa vây sinh viên, bảo kê cho chợ tự phát… Với cô, thành tựu không chỉ là những giải thưởng báo chí Trung ương hay TPHCM, mà từ bài viết của mình, nhiều vấn đề dân sinh được cơ quan chức năng giải quyết, nhiều vi phạm ở địa phương được làm sáng tỏ…

sggp1.jpg

Ở Báo SGGP, sự chịu khó, dấn thân với nghề, không chỉ có Thu Hường. Nhiều phóng viên trẻ khác đang trở thành những cây bút chủ lực trong từng lĩnh vực đeo bám. “Nếu muốn dấn thân thì hãy xem nghề báo là một nghề bình dị”, phóng viên 9x Kim Loan (Ban Văn hóa - Văn nghệ) quan niệm. Kim Loan là cây bút có nhiều bài viết sắc sảo, chắc chắn trong lĩnh vực văn hóa với nhiều giải thưởng báo chí. Kim Loan đang dần xây dựng được thương hiệu với văn phong riêng.

Nhiều đề tài “không dễ ăn” đều được cô thể hiện một cách mềm mại, sinh động với góc nhìn mới mẻ. “Khi thực hiện các loạt bài về Hệ giá trị quốc gia hay Chuẩn mực con người Việt Nam đòi hỏi mình phải đọc thật nhiều, hiểu các kiến thức căn bản văn hóa. Có nền tảng căn bản, mình mới đủ tự tin phỏng vấn các giáo sư, chuyên gia trong lĩnh vực, có thể đặt ngược vấn đề khi trao đổi…”, Kim Loan chia sẻ.

Đó còn là Ngọc Oai với thế mạnh dấn thân vào những điểm nóng ở các tỉnh thành miền Trung để viết phóng sự xã hội; là phóng viên Thụy Quyên - một “gen Z” chính hiệu, luôn xuất hiện bên máy quay mang đến các sản phẩm báo chí đa phương tiện ấn tượng…

Mỗi người trẻ ở Báo SGGP có thế mạnh, hành trình, nỗ lực riêng để định vị ngòi bút trong tòa báo có bề dày gần nửa thế kỷ. Các bài viết của họ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, của thành phố, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống. Hơn nữa, các loạt bài còn tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, các biểu hiện chưa lành mạnh trong xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình và cách làm hay… Chính sự nhập cuộc xông xáo, trực diện của sức trẻ làm cho một tờ báo nhiều sức nặng trở nên gần gũi, mới mẻ hơn.

Bản sắc người trẻ

Họ làm báo với tâm thế tiếp nối những giá trị cốt lõi của tờ báo Đảng 49 năm tuổi được hun đúc từ nhiều thế hệ cha chú. Song, những người trẻ năng động cũng không ngần ngại định danh dấu ấn nghề báo của thế hệ mình. Thế mạnh của nhà báo trẻ là tiếp thu và hòa nhịp với báo chí đa phương tiện.

Tiếp nhận cái mới trên nền bản lĩnh kiên định và vững vàng lại là một bản sắc riêng biệt của nhà báo trẻ SGGP. Họ từng ngày nỗ lực, học hỏi, sáng tạo trong công việc, ứng dụng chuyển đổi số. “Nếu vẫn giữ tâm thế làm việc kiểu cũ, thật khó tạo được sự đột phá để bắt kịp ngoài kia. Trong môi trường làm việc hiện đại, phóng viên tác nghiệp có thể va chạm rất nhiều với các đơn vị truyền thông, đội ngũ YouTuber, Facebooker, TikToker… nhưng nhà báo SGGP phải ưu tiên hàng đầu sự thật”, phóng viên Thu Hường khẳng định.

“Tôi công tác tại Báo SGGP hơn 20 năm. Sau khi nghỉ hưu tôi vẫn đọc báo, dõi theo sự phát triển của các em nhỏ tiếp bước chúng tôi. Tôi thấy các em có nhiều ưu điểm. Đó là tinh thần xông xáo ngoài xã hội để thu thập thông tin nhanh, chính xác. Đó là cách diễn đạt mới mẻ hơn rất nhiều so với thời của chúng tôi. Các bạn trẻ phát hiện nhanh và lan tỏa những gương điển hình tiên tiến; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên từng lĩnh vực... Phía sau các bạn trẻ là cả một tờ báo uy tín, tiếp thêm sức mạnh để họ đi tiếp. Hy vọng, trong thời đại công nghệ, lực lượng phóng viên trẻ sẽ được bổ sung nhiều hơn cho báo điện tử”, nhà báo - nhạc sĩ Trương Quang Lục, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Báo SGGP, nhận định.

Không chỉ có tinh thần nhiệt huyết với nghề, nhiều phóng viên còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Màu áo thanh niên mang thương hiệu Báo SGGP có mặt ở rất nhiều nơi, từ các điểm nóng ở TPHCM trong những ngày đại dịch Covid-19 đến các tỉnh, thành vùng sâu vùng xa với hành trình “Tháng ba biên giới”, “Mang nắng về cho em”, “Tiếp bước cùng em”, “Tủ sách yêu thương”…

Tin cùng chuyên mục