Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số nước ta đã đạt được nhiều thành tựu. Nổi bật là tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 14 năm qua. Cùng với đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, dù có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước nhưng công tác dân số của nước ta đang đối mặt với không ít thách thức. Đáng báo động là chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, miền và giữa các tỉnh thành. Thống kê cho thấy, cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc (chiếm 42% dân số); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam (chiếm 39%) và chỉ có 9 tỉnh, thành phố (19%) đạt mức sinh có quy mô dân số thay thế. Các tỉnh, thành phố có mức sinh cao lại là những nơi điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Trong khi mức sinh cao đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước.
Không chỉ chênh lệch mức sinh, dân số Việt Nam mất cân bằng giới tính ngày càng lan rộng dẫn tới nhiều hệ lụy về đời sống, xã hội trong tương lai không xa. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp chủ động thích ứng. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số người dân sống khỏe mạnh chưa cao. Thực tế chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.