
“Vàng thấp tuổi” và ”hạ thấp tuổi vàng”
Báo chí tại TPHCM gần đây có nhiều bài viết về thực trạng “cố tình hạ thấp tuổi vàng” nhưng dùng từ là “vàng thấp tuổi” nên người tiêu dùng có thể ngộ nhận vàng thấp tuổi là vàng “có vấn đề”? Thực ra, “vấn đề” được đặt ra ở đây là cần phân biệt rõ về vàng thấp tuổi và việc gian lận hạ thấp tuổi vàng.
Nếu nhà sản xuất làm và bán ra sản phẩm nữ trang vàng 14k với hàm lượng vàng đúng 58,3% thì có gì là sai phạm khi nhà nước ta chưa quy định tiêu chuẩn karat của vàng trang sức. Khách hàng muốn đặt một món trang sức vàng 10 karat, nhà sản xuất làm ra món hàng đó với hàm lượng vàng đúng 41,7% thì họ đâu có dối gạt gì khách hàng.

Bản thân vàng thấp tuổi chẳng có tội tình gì; ngược lại, nó còn làm tăng độ cứng, độ bền cho món hàng trang sức, giúp chống mòn và trầy xước khi mang và giúp nhà sản xuất tạo được nhiều màu sắc đa dạng hơn cho vàng.
Còn hạ thấp tuổi vàng là việc làm gian dối của nhà sản xuất khi cố ý làm thấp hàm lượng vàng tương ứng với vàng xác nhận theo karat: ví dụ sản xuất vàng trang sức 18k nhưng hàm lượng vàng lại thấp hơn 75%, có khi xuống đến 68% - tương đương với vàng16,32k, thậm chí chỉ 65% - tương đương với vàng 15,60k. Chưa được tới 16-17k sao dám gọi là 18k? Cũng có một số nước chấp nhận có sai số âm nhưng chỉ ở mức 3 phần nghìn, nghĩa là hàm lượng vàng của vàng trang sức 18k không thể thấp hơn 74,7%.
Với giá vàng đang lên cao như hiện nay thì việc sản xuất nữ trang vàng thấp tuổi (đến một chừng mực nào cho phép do cơ quan có thẩm quyền quy định) nên được nhìn nhận để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều quan trọng là quy định cách đóng dấu xác nhận tuổi vàng sao cho minh bạch, dễ hiểu và quy định mức bồi thường, kể cả xử lý về mặt pháp luật, đối với nhà sản xuất hoặc kinh doanh vàng trang sức cố tình hạ thấp tuổi vàng so với công bố, gây thiệt hại cho khách hàng.
Cách gọi tuổi vàng
Vàng trang sức thường được gọi bằng thuật ngữ vàng “karat” (karatage–từ dùng tại Mỹ) hoặc “carat” (caratage–từ dùng tại Anh). Karat chỉ hàm lượng vàng chứa trong một hợp kim. Vàng 24 karat theo lý thuyết là 100% vàng hay được gọi là vàng ròng; vàng 1 karat chứa khoảng 4,17% vàng. Cứ tính theo tỷ lệ, một hợp kim được gọi là vàng 18 karat phải chứa 18/24x100=75% vàng. Trên thế giới, ngoài việc gọi vàng trang sức theo karat người ta còn gọi theo độ tinh chất vàng biểu thị bằng con số phần nghìn; ví dụ, vàng 750 (nghĩa là 750 phần nghìn vàng hay 75,0% vàng) chính là vàng 18k. Người Việt chúng ta thường gọi vàng theo tuổi: vàng 18k được gọi là vàng “bảy tuổi rưỡi”
Người mua trả tiền cho món hàng trang sức cần biết chính xác hàm lượng vàng chứa trong món hàng mình mua. Bởi vậy, các nhà sản xuất hoặc kinh doanh buộc phải công bố và đóng dấu xác nhận hàm lượng vàng cho món hàng trang sức. Hầu hết các nhà kim hoàn trên thế giới đều đóng dấu xác nhận hàm lượng vàng theo ‘chỉ số karat (ví dụ: 24k, 18k, 14k…) hoặc theo chỉ số tinh chất vàng tính trên phần nghìn (ví dụ: 999, 750, 583…) trên món hàng trang sức họ sản xuất hoặc bán ra.
Thực tế, phải chấp nhận một sai số nhất định, và sai số đó là bao nhiêu lệ thuộc vào tập quán sử dụng hoặc quy định của cấp có thẩm quyền trong mỗi nước. Ở nước ta, vàng ròng theo tập quán phải là vàng bốn số 9 (999,9 phần nghìn vàng), sai số chỉ là -0,10/00; ở Trung Quốc, vàng ròng được định nghĩa là có tối thiểu 99,0% vàng, nghĩa là họ chấp nhận sai số -1,0%.
Đóng dấu tuổi vàng
Nước ta chưa ban hành các tiêu chuẩn karat cho vàng trang sức, chưa quy định mức sai số âm cho hàm lượng vàng tương ứng và chưa thống nhất cách thức đóng dấu xác nhận tuổi vàng.Xin đề xuất với Hiệp hội của những người kinh doanh vàng trang sức 2 cách đóng dấu tuổi vàng: 1) nếu đóng dấu theo karat chuẩn (24kt, 21k, 18kt, 14kt,… ) thì phải đảm bảo hàm lượng vàng tương ứng với karat đó chính xác đến con số phần nghìn (nghĩa là phải đúng 99,9% vàng cho vàng 24kt, 75,0% vàng cho vàng 18kt,…);
2) Nếu có sai số âm đến con số phần nghìn thì buộc phải đóng dấu hàm lượng vàng theo phần trăm hoặc phần nghìn (hàm lượng vàng của món hàng là 74% thì phải đóng là 74% hoặc 740 chứ không được phép quy tròn thành 18kt ,vì đó là gian lận thương mại). Khi có nhu cầu sản xuất vàng trang sức 68%, 65% (nên giới hạn chỉ một vài con số % nào đó nhất định không nằm trong chuẩn karat) thì đóng dấu đúng 68% hoặc 680, 65% hoặc 650, không được dùng ký hiệu lập lờ “ST” thay cho “sáu mươi tám phần trăm” và “SL” thay cho “sáu mươi lăm phần trăm” như một số nơi đã làm.
Tuy nhiên, đề xuất trên cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Việc ban hành thống nhất các chuẩn karat cho vàng nữ trang, sai số âm cho phép của hàm lượng vàng và cách đóng dấu xác nhận tuổi vàng trên món hàng trang sức (như các nước trên thế giới đã làm) là hết sức cần thiết để dễ dàng mua bán, trao đổi và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.