Sáng 19-10, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình hình công tác quản lý khám, chữa bệnh tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trung bình 15%. TPHCM không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước.
Để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo |
Bên cạnh đó, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh; phát triển chiến lược toàn diện về du lịch y tế, bao gồm cơ chế thu hút bệnh viện quốc tế, nguồn lực xã hội, hợp tác với các trường đại học y khoa uy tín, thu hút nguồn nhân lực chất lượng trong và ngoài nước để nâng cao hệ thống y tế và sức khỏe.
Đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
“Việc xây dựng TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết và sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của mọi tầng lớp kể cả tư và công, không để người dân ra nước ngoài chữa bệnh”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, thành phố đã và đang xây dựng, triển khai các dự án y tế trên địa bàn thành phố, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TPHCM giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố”; Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu TPHCM giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030”; Đề án “Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Đề án “Phát triển công nghiệp dược TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 60 và các chính sách đặc thù giúp các bệnh viện công lập ngành y tế thành phố phát triển bền vững; Đề án “Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế TPHCM giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo”.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 31 về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã đề cập đến nhiệm vụ phát triển hệ thống y tế TPHCM đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao, phát triển một số lĩnh vực và tiếp cận trình độ mới hướng đến mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN. TPHCM là trung tâm liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và rộng ra là toàn bộ khu vực phía Nam. Nhiệm vụ phát triển TPHCM trở thành trung tâm y tế, khám chữa bệnh khu vực ASEAN… phải đặt trong tổng thể phát triển toàn vùng.