Từng bước tiệm cận công nghệ vi cơ điện tử


“Nắm bắt xu hướng - Nuôi dưỡng sáng tạo” là chủ đề được Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) lựa chọn cho Hội nghị Diễn đàn Vi cơ điện tử (MEMS) năm 2018. 
Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ cao TPHCM giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn MEMS 2018
Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ cao TPHCM giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn MEMS 2018

Ghi nhận sự đột phá trong nghiên cứu chế tạo của các đơn vị trong nước khi cho ra đời các sản phẩm có tính ứng dụng cao, các chuyên gia, diễn giả quốc tế cũng đưa ra các khuyến nghị để TPHCM tiến nhanh, tiến sâu vào lĩnh vực này. 

Tạo bước đột phá

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, cho biết công nghệ MEMS góp phần quan trọng trong việc chế tạo ra các bộ phận cảm biến, là phần tử quan trọng của IoT; qua đó, tạo nền tảng cho các sản phẩm thông minh. Công nghệ MEMS và IoT còn góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể trong các giải pháp xây dựng đô thị thông minh gắn kết sự phát triển của TPHCM trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, SHTP xem đây là nội dung mang tính chiến lược, vừa nỗ lực thu hút đầu tư, vừa tập trung nghiên cứu phát triển. Ngay sau Diễn đàn MEMS lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2017, SHTP đã ký 5 bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các công đoạn đào tạo nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, Ban quản lý SHTP cũng đã cấp phép cho 4 dự án có tổng giá trị trên 100 triệu USD. Mục tiêu của 4 dự án đều nhắm vào sản xuất sản phẩm có thiết bị công nghệ cao, cụ thể là các thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT); board mạch và chíp tiết kiệm năng lượng hiệu suất cao; linh kiện điện tử và mạng lưới thiết bị kết nối Internet.

Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM, đơn vị này và TPHCM đã ký kết hợp tác các chương trình trọng điểm, trong đó có đào tạo nhân lực cho “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, MEMS giai đoạn 2013-2020” của TP. Đơn vị cũng đã triển khai nhiều chương trình phát triển vi mạch MEMS, có nhiều nhóm nghiên cứu đã được hình thành thông qua các chương trình hợp tác quốc tế.

Tại Diễn đàn MEMS 2018, các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu cũng “tranh thủ” trình diễn những kết quả nghiên cứu về MEMS, tuy chỉ ở giai đoạn đầu nhưng cho thấy tiềm năng rất lớn. Có thể kế đến như cảm biến biến dạng đo độ rung chấn cầu đường của Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs). Cảm biến biến dạng là công nghệ của Nhật Bản, đang chuyển giao cho SHTP Labs để đơn vị này chế tạo, sản xuất. Sau khi hoàn thành, chip cảm biến này sẽ được gắn ở những cây cầu của TPHCM để đo độ rung, cũng như gửi những cảnh báo từ thiết bị truyền về. Trước đó, SHTP Labs cũng đã công bố sản xuất thành công cảm biến dự báo ngập, hiện đã được gắn tại 30 điểm thường xảy ra ngập khi mưa lớn, triều cường ở TPHCM. 

Nhiều góp ý cho hệ sinh thái MEMS

Ông Ng. Kai Fai, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) khu vực Đông Nam Á, cho biết khu vực Đông Nam Á đang nổi lên là khu vực hàng đầu về xuất khẩu thiết bị điện tử, nhưng do chủ yếu phải nhập khẩu các nguyên vật liệu cho sản xuất (khoảng 92%) nên giá trị gia tăng không cao. Do vậy, khu vực này cần dịch chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn. Tuy nhiên, ông Kai Fai cũng chia sẻ, muốn phát triển lĩnh vực vi mạch thì địa phương đó cần phải xác định “đầu ra”, cụ thể là phục vụ cho thị trường nào; qua đó cũng giúp định hình công tác đào tạo, phát triển nhân tài. Để chuẩn hóa đội ngũ nhân tài, ông Kai Fai cho rằng, chính quyền TPHCM cần bảo trợ cho những nhà khoa học, chuyên gia tham gia các chương trình đào tạo, hội thảo ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Những chuyên gia sau khi tham gia các chương trình ở nước ngoài có thể viết thành những báo cáo khoa học chia sẻ về những điều học hỏi được và hướng phát triển cho một sản phẩm ứng dụng cụ thể phục vụ cho địa phương mình. 

GS Susumu Sugiyama (Đại học Rit Sumeikan, Nhật Bản) nhấn mạnh TPHCM có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp MEMS. Tuy nhiên, đây là ngành đặc thù phải đầu tư công nghệ cao, nên phát triển ngành này phải dựa vào nhu cầu thực tế để đầu tư và phát triển công nghệ thích hợp. TPHCM cần có những dự án, chương trình, dự án dựa trên công nghệ MEMS để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề nhân lực cho ngành. 

GS Casper Juffermans (Đại học Công nghệ DELFT, Hà Lan) thì cho rằng, MEMS là thị trường toàn cầu, nên TPHCM muốn phát triển ngành công nghiệp này phải nắm được thị trường thế giới chứ không chỉ thị trường trong nước. Ngoài ra, khi đầu tư vào ngành công nghiệp MEMS không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn cần chú ý đến việc thương mại hóa sản phẩm. Việt Nam cần chú trọng giới thiệu những tiềm năng, lợi thế sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.

Tin cùng chuyên mục