Thay đổi thói quen
Khán giả Trần Hà My (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay: “Nếu không có các chương trình nghệ thuật, ca nhạc, phim ảnh trực tuyến trên YouTube, TikTok, Facebook… không biết những ngày giãn cách vừa qua chúng tôi cảm thấy ngột ngạt đến thế nào. Giải trí trực tuyến trở nên quá đỗi quen thuộc với chúng tôi. Việc các nghệ sĩ tạo ra nhiều chương trình đăng tải trên hàng loạt kênh, nền tảng, fanpage là điều cần thiết, rất đáng ủng hộ. Bản thân tôi vẫn xem các chương trình nghe nhạc cùng Hà Anh Tuấn hay chương trình Sing for life - Sing for love”.
Trong khi đó, bạn đọc Thiên Tư (phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi sống ở “vùng đỏ” nên từ khi dịch Covid-19 bùng mạnh nên không thể mua được sách mới. Hồi tết, tôi đã kịp mua cho mình một thiết bị đọc sách nên thời gian này, tôi đọc theo định dạng ebook những cuốn tạm thời chưa mua được bản giấy. Dịch bệnh đã ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen đọc sách của tôi trong thời gian này: bớt nghĩ đến những cuốn sách mới ra mà nghĩ về những cuốn mình muốn đọc nhiều hơn. Tôi cũng tranh thủ trao đổi, mua bán sách cũ với các bạn trong cộng đồng yêu sách”.
Nếu như trong đợt dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, ngành văn hóa - giải trí còn chưa kịp chuyển bộ để thích nghi, đến đợt dịch thứ tư, mọi thứ dần thích ứng hơn. Hiện nay rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật trực tuyến, nhất là âm nhạc, được tổ chức, đáp ứng nhu cầu xem - nghe của khán giả như Thành phố 18 giờ, Sing for life - Sing for love, Chạm - Sing & Share...
Chương trình Sing for life - Sing for love hay Chạm - Sing & Share phần nào tạo được sự tương tác với khán giả. Là các dự án âm nhạc cho cộng đồng phi lợi nhuận, các chương trình không chỉ là nơi nghệ sĩ thể hiện tài năng mà còn tạo cơ hội cho khán giả cùng tham gia.
Trong nhiều chương trình, Thành phố 18 giờ là chương trình đánh dấu sự trở bộ nhanh nhạy, phù hợp của các nghệ sĩ. Theo MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, sự “đổ bộ” trên 10 nền tảng số - fanpage như T Production, Gala Nhạc Việt, Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, Yeah1 TV… và hàng loạt fanpage của nghệ sĩ đã giúp chương trình tiếp cận rất đông khán giả. Sân khấu dù đơn sơ, dã chiến nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, chương trình rất thu hút. Đây được đánh giá là chương trình mới, gắn thời sự với nhiều thông tin hữu ích.
Chiến lược lâu dài
Từ cuối tháng 5 đến nay, các hoạt động giao lưu ra mắt sách không thể thực hiện tại chỗ mà được chuyển sang hình thức trực tuyến. Một số chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả như lễ ra mắt cuốn sách Về Nguyễn Huy Thiệp (NXB Dân trí) trên nền tảng trực tuyến Zoom, được phát trực tiếp trên Facebook do Công ty Sách Liên Việt tổ chức.
Khi nhà sách truyền thống gần như “đóng băng”, để sách được đến tay bạn đọc, nhiều đơn vị đã tận dụng website, fanpage của mình trực tiếp phát hành sách. Sự chủ động này đã phần nào giúp ngành xuất bản hạn chế thiệt hại. Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu ngành xuất bản đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Có một thực tế là trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách, tại một số địa phương như TPHCM, Hà Nội…, sách giấy hầu như không còn đến được tay bạn đọc vì hoạt động giao nhận chững lại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã có sự thích ứng bằng việc tập trung và đẩy mạnh phát triển xuất bản phẩm điện tử, bước đầu đã thu được những tín hiệu khả quan.
Theo đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành, một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn này chính là ứng dụng, phát triển xuất bản phẩm điện tử, coi đây là định hướng chiến lược lâu dài, cũng như giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn trước mắt. Hiện cơ quan này đã hoàn thành nền tảng xuất bản, phát hành điện tử dùng chung với mức đầu tư ban đầu 300-500 triệu đồng.
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, hoạt động nghệ thuật chuyển mình từ trực tiếp sang trực tuyến, là giải pháp bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Hoạt động nghệ thuật ngày càng hướng đến hình thức đa phương tiện và tích hợp nhiều công nghệ nghe nhìn hiện đại.
Khi các phòng tranh tạm ngừng đón khách vì giãn cách xã hội kéo dài, những lớp học tìm hiểu nghệ thuật, triển lãm online bắt đầu thu hút khán giả. “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã chuẩn bị phương án tổ chức những buổi trao đổi nghệ thuật online thay cho hoạt động mở cửa trực tiếp, nên khi dịch kéo dài chúng tôi vẫn thích ứng được. Phần việc này không thể gánh doanh thu cho hoạt động phòng tranh như bình thường, nhưng vẫn mang đến một nguồn thu nhập và để phòng tranh không bị “đóng băng” vì dịch”, chị Nguyễn Thu Vy (quản lý một phòng tranh tại quận 1, TPHCM) cho biết.
Vẫn tham gia các hoạt động nghệ thuật qua các buổi triển lãm tranh trực tuyến, các hội nhóm trao đổi kiến thức mỹ thuật trên mạng xã hội, nền tảng NFT (một loại nền tảng số sử dụng công nghệ blockchain, dùng để định danh phiên bản số của tác phẩm nghệ thuật), chị Hoàng Thị Minh Anh (25 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Tôi vẫn có đường link truy cập để theo dõi lại các triển lãm. NFT là một nền tảng được cộng đồng nghệ thuật thế giới quan tâm khá nhiều, tôi nghĩ Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện tại giới nghệ sĩ, giám tuyển Việt có nhiều buổi thảo luận, phân tích về mặt tiện ích, pháp lý cho hoạt động giao dịch và số hóa tác phẩm trên nền tảng này”.
Đây cũng là thời điểm để bảo tàng chuyển mình thích ứng. Theo đại diện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bảo tàng nghiên cứu và kết nối cùng các đơn vị công nghệ để tổ chức những tour trực tuyến cho khách tham quan.
Bảo tàng đã tổ chức được vài tour trực tuyến cho nhóm khách Nhật Bản. Bảo tàng Lịch sử TPHCM cũng bắt đầu thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” với công nghệ Scan 3D. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người xem có thể khám phá không gian thực tế sống động với góc nhìn 3D xoay chiều 3600 tại 18 phòng trưng bày và chủ động tương tác, tìm hiểu với sự hỗ trợ của các bảng hướng dẫn, audio guide.
* Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty sách Omega Plus: Chúng ta phải tìm cách giải quyết các bài toán mà xã hội đang gặp phải như làm việc tại nhà, tìm ra giải pháp để có thể bán hàng, giao nhận hàng hóa. Các doanh nghiệp làm sách phải tìm ra những hướng kinh doanh mới, thích ứng với tâm lý xã hội, điều kiện kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. |
* Khán giả Nguyễn Thị Phúc Hậu (phường 6, quận 8, TPHCM): |