PV Báo SGGP trao đổi với TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ Phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM, Thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TPHCM, liên quan đến vấn đề này.
Giãn cách xã hội chỉ mang tính giai đoạn
* PHÓNG VIÊN: Qua một thời gian dài siết chặt giãn cách, ông có nhận xét gì về những vấn đề cốt tử trong phòng chống dịch mà TPHCM đang đối diện khi muốn mở cửa?
- TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ: Chúng ta từng theo đuổi quan điểm là “zero Covid” (quét và cách ly toàn bộ ca mắc Covid-19 trong cộng đồng). Chính sách này từng hiệu quả trong thời gian đầu khi F0 còn giới hạn, tốc độ phát hiện và cách ly F0 khỏi cộng đồng kịp thời, qua đó huy động kịp nguồn lực sẵn có để dập dịch.
Song song đó, nhiều nước chọn giải pháp “sống chung với virus”, xem Covid-19 cũng như các loại bệnh đặc hữu khác. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó đi kèm với nhiều điều kiện quan trọng, mà nếu không đáp ứng xã hội phải trả giá bằng mạng người và hệ thống y tế quá tải.
Việt Nam cũng như TPHCM đã có nhiều giải pháp và nỗ lực chống dịch với các mức độ khác nhau trong năm 2020 và 2021 theo mục tiêu “zero Covid”. Kết quả của nỗ lực này có giai đoạn thành công, nhưng giai đoạn hiện nay không còn hiệu quả khi dịch bệnh đã lan rộng trong cộng đồng. Ngoài ra, những đặc thù khác khiến chính sách phỏng tỏa cứng toàn thành phố khó triển khai hiệu quả.
Chẳng hạn như cơ cấu đô thị, phát triển mạnh về dịch vụ, tập trung nhiều lao động từ các tỉnh vào TPHCM giao dịch, làm ăn. Hay cấu trúc đô thị đặc thù, nhiều nhà ở lụp xụp, nhà trọ cho công nhân chật hẹp. Cần phải nhắc thêm vấn đề thẩm quyền quyết định của TPHCM không chỉ nằm ở thành phố, vì còn liên quan đến các địa phương xung quanh về chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất, di chuyển lao động.
* Còn biện pháp giãn cách xã hội mà TPHCM áp dụng so với các nơi khác thì sao?
- Tổ tư vấn đã phối hợp với các nhóm nghiên cứu độc lập khảo sát 13 thành phố có quy mô như TPHCM (như Bangkok, Jakarta, Singapore, Seoul, Tokyo, Delhi, London, New York…). Các kết quả đến thời điểm này cho thấy biện pháp siết chặt giãn cách của TPHCM nằm ở nhóm cao nhất.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội ở mức độ nào đi nữa thì các thành phố kể trên vẫn đảm bảo nguyên tắc không làm đứt gãy chuỗi hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Bởi vì phải đủ ăn, sống được thì bà con mới yên tâm ở nhà. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian giãn cách kéo dài 44 - 55 ngày nằm trong mức chịu đựng của người dân. Quá thời gian đó là vượt ngưỡng chống chịu, dẫn đến những phản ứng và phản kháng từ xã hội.
* Như vậy, biện pháp giãn cách của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có cần phải điều chỉnh? Nếu có thì điều chỉnh như thế nào?
- Sắp tới, dù TPHCM có tăng hay giảm mức độ giãn cách thì phải đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân. Đây là việc đầu tiên để tiếp tục chống dịch.
Nghiên cứu khảo sát các thành phố đã chỉ rõ: giãn cách xã hội là phương pháp, biện pháp mang tính giai đoạn. Tức là không thể giãn cách xã hội kéo dài mãi. Và khi tìm cách “thích nghi với Covid”, TPHCM đang xây dựng những kịch bản để quay lại cuộc sống bình thường mới trong điều kiện chấp nhận tồn tại virus và những biến thể sắp tới có thể phát sinh.
Mở cửa dần kèm điều kiện cụ thể
* Nghĩa là nhu cầu thực tế cho thấy cần phải mở cửa nền kinh tế trở lại?
- Hiện nay, số ca mắc, số chuyển viện và tử vong từ Covid-19 mỗi ngày ở TPHCM vẫn nằm ở mức cao, so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, xung quanh TPHCM, Bình Dương và Tiền Giang đang có nguy cơ; Đồng Nai, Long An không khá hơn. Vành đai của vùng TPHCM chưa an toàn, cho nên về mặt dịch tễ, việc TPHCM “sống chung với Covid-19” là không đơn giản. Song, không thể giãn cách xã hội mãi được, như một câu chúng ta hay nghe “chưa chết do dịch bệnh thì người dân đã chết đói, doanh nghiệp đã
phá sản rồi”.
* Vì công ăn, việc làm, nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa kinh tế mạnh mẽ, thậm chí đón khách du lịch, TPHCM có thể thực hiện như vậy không?
- Trong 13 thành phố lớn chúng tôi nghiên cứu, hiện có 12 thành phố đã có kế hoạch tái thiết và mở cửa lại nền kinh tế, một số nơi rất mạnh mẽ. Ngoài các thí dụ trên, nhiều quốc gia và thành phố khác đang tính toán kế hoạch phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi mở cửa mà số ca mắc, ca bệnh nặng, tử vong cao thì chúng ta sẽ phản ứng thế nào? So sánh với các nước phát triển và Việt Nam, hệ thống y tế và ngưỡng chống chịu của chúng ta còn khoảng cách. Nếu nới lỏng các hoạt động mà chưa đảm bảo an toàn, dịch bùng trở lại sẽ ảnh hưởng đến y tế và tử vong sẽ tăng. Thực tế, đây là bài toán rất khó đối với TPHCM.
* Hiện nay một số quận huyện đã kiểm soát được dịch bệnh, liệu có kỳ vọng đến 15-9, TPHCM có thể mở cửa, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường?
- Việc mở cửa không nên làm theo một mô hình duy nhất. Mỗi nơi cần có những sáng kiến, sáng tạo và cách làm phù hợp. Không nên có một “đồng phục” cho các quận huyện hay tất cả ngành nghề. Đó là lý do TPHCM có những thí điểm theo ngành nghề hoặc theo không gian hành chính.
Nhìn chung, TPHCM có thể mở cửa với những điều kiện cụ thể. Đó là thực hiện ưu tiên ở lĩnh vực thiết yếu (shipper, chợ, siêu thị…), ở quận huyện kiểm soát được dịch bệnh, với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng một số ngành nghề và doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Những điểm này đã được đưa vào kế hoạch sắp tới của thành phố.
Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của thành phố trong các đợt tiêm chủng trước, đa số người lao động đã được tiêm mũi 1. Kế hoạch tiêm mũi 2 đang triển khai trong tuần này và tuần sau. Cần lưu ý, ngoài việc tiêm chủng cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, cần tiêm vaccine cho các lao động ở địa phương (trước hết tại địa bàn TPHCM). Đây là nền tảng quan trọng để gỡ rào cản và tạo điều kiện cho lực lượng lao động này hoạt động lại bình thường trong tháng 9.
Quan trọng là mở cửa tới đâu cần phải đảm bảo an toàn dịch tễ tới đó. Không an toàn dịch tễ thì không mở. Phương châm quan trọng nhất thời gian tới là nới dần từng bước, quản lý rủi ro, thích nghi (với virus và biến thể của nó) trong tương lai.
Tạo vành đai xanh an toàn cho sản xuất kinh doanh Thời gian sau 15-9 là thời điểm để TPHCM và các tỉnh láng giềng như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh chuyển từ chính sách phòng chống dịch liên vùng sang chính sách thiết lập vùng vành đai xanh dựa vào độ phủ của vaccine. Vùng vành đai xanh an toàn này là cơ sở để các hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục và tăng tốc. |