Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” - Bài 2: Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới

Là địa phương trọng điểm của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, từ ngày 27-4 đến nay, TPHCM đã ghi nhận hơn 259.000 trường hợp mắc Covid-19. Dù đang đi đúng hướng trong kiểm soát dịch bệnh, nhưng thời gian tới thành phố có thể tính đến phương án sống chung với dịch, song song việc thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Lực lượng y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh đến tận nơi điều trị cho người mắc Covid-19 tại phường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh đến tận nơi điều trị cho người mắc Covid-19 tại phường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khó khăn chồng khó khăn

Trong hơn 4 tháng qua, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi dịch bệnh, trong đó phải kể đến các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài. Ngoài ra, thành phố triển khai nhiều chiến dịch mở rộng xét nghiệm tìm F0 “lẩn khuất” trong cộng đồng, sớm đưa vào các chương trình quản lý điều trị, không để lây lan. Song song đó là đẩy nhanh tốc độ các chiến dịch tiêm chủng vaccine “thần tốc”. 

Khi số người mắc mới mỗi ngày lên đến hàng ngàn, thành phố đã lập hàng chục bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân, hình thành nên 3 tầng điều trị phù hợp từng đối tượng. Trong đó, không ngừng mở rộng các trung tâm hồi sức tích cực phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế số ca tử vong. Tiếp theo, thành phố bổ sung phương án điều trị F0 tại nhà với sự theo dõi, hỗ trợ của các trạm y tế xã, phường, trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh, kịp thời cung cấp oxy, gói thuốc an sinh, can thiệp y tế ngay khi người dân có dấu hiệu chuyển nặng. Điều này đã giúp số lượng lớn F0 không có triệu chứng được tiếp cận y tế kịp thời và giảm tải cho hệ thống y tế trên địa bàn. 

Dù vậy, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn ở mức cao, nhất là khi thành phố đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng ở các khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng”, “rà đi soát lại” ở những khu vực có mật độ F0 đậm đặc, từ ngày 23-8. Điều này đặt thành phố vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết, và có thể sẽ không thể tách F0 khỏi cộng đồng khi dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu. 

Thực tế cho thấy, thành phố đang đi đúng hướng trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bằng việc kết hợp sức mạnh tổng hợp, nhưng biến chủng Delta với sự lây nhiễm hết sức phức tạp ở một đô thị hơn 10 triệu dân gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Sau nhiều lần giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, chúng ta vẫn chưa chặn đứng được ca mắc mới trong cộng đồng. 

8 nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa có thuốc đặc trị và mức độ bao phủ vaccine còn khiêm tốn, để chống dịch trong trạng thái bình thường mới, người dân nên thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K và mới đây là 5T của ngành y tế… Theo Văn bản 2718 của UBND TPHCM về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong những ngày tới, thành phố tiếp tục mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh tại các quận huyện: 5, 7, 11, Phú Nhuận, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè - hiện có tỷ lệ lây nhiễm thấp, đạt độ bao phủ vaccine cao. Đến 15-9, thành phố phấn đấu cơ bản duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người/ngày (tương đương dưới 200 ca/triệu dân); đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vaccine mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2. 

Để đạt mục tiêu trên, giải pháp trọng tâm thứ nhất là tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ những người được phép ra khỏi nhà. Thứ 2 là các khu phong tỏa bảo đảm “ngoài chặt, trong chặt” gắn với công tác kiểm tra giám sát, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”. Thứ 3 là tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm để nhanh chóng “bóc tách” F0 khỏi cộng đồng, tập trung hiệu quả việc chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Thứ 4 là mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine. Thứ 5 là rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế. Thứ 6 là tiếp tục triển khai các túi an sinh hỗ trợ người dân khó khăn. Thứ 7 là tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn. Thứ 8 là đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông theo hướng động viên nỗ lực của toàn dân, lan tỏa sâu rộng tinh thần đoàn kết, nhân ái cũng như đề cao ý thức chủ động phòng ngừa dịch bệnh.  

Trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, thành phố đang đi tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và quận 7, huyện Củ Chi là 2 địa phương thí điểm đầu tiên do kiểm soát cơ bản được dịch bệnh. “Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và cho biết, để sống trong điều kiện có dịch cần phải đảm bảo các yêu cầu như bao phủ vaccine, thuốc điều trị, ý thức của người dân... 

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH: Thích ứng và có cách làm phù hợp

Phát biểu tại buổi gặp, làm việc với hơn 70 nhà khoa học; các giáo sư, bác sĩ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế vào ngày 1-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Chính phủ hiểu, chia sẻ với những khó khăn, phiền toái của nhân dân. Nhân dân đang mong chờ từng ngày để dịch bệnh qua đi. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan, tìm cách để thích ứng và an toàn trong mọi diễn biến của dịch. Chúng ta không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.

Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. Phải đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.


Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN: Phải hy sinh nhiều thứ mới có thể chiến thắng


Phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng đánh giá kết quả phòng chống dịch sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy (về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP) và chuẩn bị thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ trong thời gian tới diễn ra vào ngày 14-8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ cũng là mong muốn chung của đồng bào TPHCM và cả nước.

Đây còn là trách nhiệm và thử thách rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Vì vậy, chúng ta cần tập trung toàn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp đề ra. Thành phố sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch. Chúng ta phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Phải hy sinh nhiều thứ mới có thể chiến thắng. 


Đã có 89% người trên 18 tuổi tiêm vaccine an toàn

Tại buổi họp báo về tình hình vaccine vào chiều 7-9, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đến hôm qua, thành phố thực hiện được 6.725.192 lượt tiêm, trong đó có 6.132.354 mũi 1 và 592.838 mũi 2. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế phân bổ 1 triệu liều để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đợt 4 và một số người đợt 5 đã đến hạn. Hiện 89% người dân TPHCM trên 18 tuổi tiêm vaccine hoàn toàn an toàn.  


Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, hiện nay tiêm vaccine là ưu tiên hàng đầu để mỗi người dân có đầy đủ kháng thể. Khi đó mới có thể mở cửa dần từng bước các hoạt động kinh tế trên địa bàn. Người dân tích cực tham gia tiêm chủng, để bao phủ tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Sở Y tế và các sở ban ngành sẽ tổ chức đợt cao điểm tiêm vaccine kéo dài đến 15-9, với cam kết chọn vaccine phù hợp nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho người dân. Theo báo cáo của các địa phương, TPHCM có hơn 6 triệu người trên 18 tuổi, trong khi Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thống kê trước thời điểm giãn cách là hơn 7,2 triệu người. Thành phố sẽ tính toán số lượng vaccine dựa theo con số 7,2 triệu để nếu sau ngày 15-9, nếu nới lỏng giãn cách từng phần, người dân ở các nơi quay trở lại, chúng ta có số liều vaccine dự trù cho nhóm này.


                                                              THÀNH AN - GIAO LINH

Tin cùng chuyên mục