Trong bài phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, Singapore phải duy trì chính sách mở cửa để giữ vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu, tránh ảnh hưởng tới quá trình đầu tư, việc làm và các cơ hội khác. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ thông qua một dự luật về việc bảo đảm tuyển dụng công bằng đang ảnh hưởng đến 2 đối tượng là lao động nước ngoài và người dân trong nước.
Không riêng gì Singapore, 18 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các chính phủ ở châu Á, châu Âu và Mỹ đang dần chuyển từ mục tiêu “zero-Covid” (tình trạng hoàn toàn không có ca lây nhiễm) sang cân nhắc lại các chính sách, chấp nhận việc phong tỏa và hạn chế là một phần của quá trình hồi phục và mở cửa nền kinh tế. Là quốc gia không có tài nguyên, chỉ dựa vào thương mại để bù đắp thì giao dịch, khả năng đi lại tự do của các doanh nhân trong và ngoài Singapore… là hoạt động cốt lõi của nền kinh tế nước này. Chính phủ Singapore gần đây đã thay đổi chiến lược về cách tốt nhất để đối phó với dịch Covid-19 từ việc coi nó là “đại dịch” sang “bệnh đặc hữu” và thực hiện các biện pháp tương tự như việc theo dõi và kiểm soát bệnh cúm mùa. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cũng cho rằng, số ca nhiễm có thể tiếp tục tăng lên, sự bùng phát dịch có thể trì hoãn nhiều hoạt động nhưng không xóa bỏ được kế hoạch mở cửa theo giai đoạn.
Thực tế, lộ trình “sống chung với virus” đã được Chính phủ Singapore chuẩn bị và xây dựng từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng một trong những chìa khóa giúp Singapore trở lại cuộc sống bình thường đó là có tỷ lệ tiêm chủng cao. Ngay khi thông tin Singapore chạm mốc 80% người dân nước này được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Dan Tehan khẳng định bắt đầu “bong bóng đi lại” không cần cách ly với Singapore.
Dù vậy, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vẫn nhấn mạnh: “Chúng ta có thể hết lần này tới lần khác phải nhấn phanh nhưng chúng ta muốn tránh việc phải phanh gấp. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta sẽ từng bước phục hồi một cách thận trọng và bền vững”.