“Rồng nhỏ” lên không gian
Vệ tinh MicroDragon là sản phẩm nằm trong hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất”. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
TS Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế hệ thống không gian của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC - thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết hiện vệ tinh MicroDragon đã được chuyển cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để chờ phóng. Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.
Cũng theo TS Lê Xuân Huy, tiếp nối vệ tinh MicroDragon, vệ tinh NanoDragon đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC, có trọng lượng dưới 10kg. NanoDragon có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.
Và đài thiên văn thứ 2
Từ quý 2-2019, Đài thiên văn Hòa Lạc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan, sinh viên nghiên cứu ngành vũ trụ đến tìm hiểu kiến thức về thiên văn học. Đây là đài thiên văn thứ 2 của Việt Nam. Trước đó, Đài thiên văn Nha Trang (cũng do VNSC điều hành) đã đi vào hoạt động hồi tháng 9-2017.
Được khởi công từ năm 2015, Đài thiên văn Hòa Lạc có nhiệm vụ nghiên cứu về vật lý thiên văn và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng. Thiết bị quan sát chủ yếu của đài thiên văn là kính thiên văn quang học phản xạ dạng Ritchey - Chretien có khẩu độ 50cm, lớn nhất Việt Nam hiện nay. Kính thiên văn này cho phép nhìn thấy vật mờ hơn gần 4.000 lần so với vật mờ mắt người nhìn thấy. Trường nhìn của kính cho phép chụp ảnh các thiên hà, tinh vân, hệ sao đôi; theo dõi các cơn bão và hoạt động diễn ra trên bề mặt của một số hành tinh ở gần trái đất trong hệ mặt trời như sao Mộc, sao Hỏa; theo dõi hoạt động của Mặt trời.
Đài thiên văn Hòa Lạc nằm trong quần thể các công trình gồm: Bảo tàng vũ trụ Việt Nam và nhà chiếu hình vũ trụ do VNSC làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Nhà chiếu hình vũ trụ có quy mô 100 ghế, được thiết kế giống như một rạp chiếu phim dạng mái vòm. Nhà chiếu được trang bị hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải với hiệu ứng 3D, đem lại cho người xem trải nghiệm như đang bay vào vũ trụ. “Khi đưa vào hoạt động, khách tham quan sẽ được xem những bộ phim về lịch sử hình thành vũ trụ một cách chân thực, ấn tượng với nhà chiếu hình vũ trụ, được tham quan và chứng kiến sự vận hành của kính thiên văn đường kính 0,5m lớn nhất tại Việt Nam hiện nay”, PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC, cho biết.
Liên quan đến kế hoạch khai trương và vận hành Đài thiên văn Hòa Lạc, TS Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Vật lý Thiên văn VNSC, cho biết hiện VNSC đang tiến hành các thủ tục xin cơ chế thu chi tài chính riêng cho công trình đài thiên văn tại Nha Trang và Hòa Lạc. Tuy nhiên, hoạt động của đài hướng đến mục tiêu phổ biến kiến thức cộng đồng về thiên văn học, về vũ trụ, trở thành nơi giao lưu giữa các nhà thiên văn trẻ, thiên văn nghiệp dư của Việt Nam, chứ không hướng đến mục tiêu thương mại. Cơ chế thu chi tài chính sẽ giúp công trình đài thiên văn có thể dùng nguồn kinh phí thu được từ người tham quan để chi trả cho hoạt động vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm của công trình và trang thiết bị.
MicroDragon được phát triển bởi 36 học viên là cán bộ nghiên cứu của VNSC theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản từ năm 2013 đến 2017, dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia. Nhiệm vụ chính của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. Vệ tinh MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) chụp được ở 12 dải phổ từ 412 - 1020nm, ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78m, kích thước ảnh khoảng 36 - 48km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511km. |