* PHÓNG VIÊN: Xuất phát từ thực tiễn nào để Bộ Nội vụ đưa ra những đổi mới trong quản lý, sử dụng, tuyển dụng công chức, viên chức, thưa ông?
- Ông NGUYỄN TƯ LONG: Sau thời gian thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, người quản lý, người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước cũng như đánh giá, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, để tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới quản lý công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định trong công tác cán bộ. Dự thảo nghị định lần này tập trung vào 3 nội dung lớn. Thứ nhất, tập trung giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương phản ánh trong thời gian vừa qua về cán bộ, công chức, viên chức. Thứ hai, tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong công tác cán bộ, giảm thiểu văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Thứ ba, từng bước đổi mới quản lý theo vị trí việc làm, tiếp tục chủ trương liên thông và phân cấp trong công tác quản lý cán bộ.
* Cụ thể là những vướng mắc được sửa đổi thế nào?
* Ví dụ như, thời gian qua, chúng ta hoàn thiện quy định về cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản dưới đang thiếu quy định về xác định người đứng đầu khi có cả chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Trong khi đó, khái niệm người đứng đầu rất quan trọng trong công tác cán bộ. Ở nghị định này đã được bổ sung khái niệm để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn.
Hoặc, trong công tác đánh giá, có trường hợp quyết định xử lý kỷ luật đảng và chính quyền ban hành trong 2 năm đánh giá khác nhau nên dự thảo lần này bổ sung rõ quy định chỉ đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong 1 năm công tác. Bên cạnh đó, quy định về kỷ luật cũng làm rõ nguyên tắc thế nào là kỷ luật chính quyền, đoàn thể “tương xứng” với kỷ luật đảng, do thực tế các hình thức kỷ luật còn chưa trùng khớp nhau.
Cùng với đó, sẽ sửa đổi quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ và vẫn còn trong thời hiệu xử lý; sửa đổi quy định về bổ nhiệm lại không quá 2 lần chỉ áp dụng đối với trường hợp có quy định của đảng hoặc của pháp luật để tránh cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tiễn.
* Một trong những định hướng lớn thời gian qua là quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả công việc, công vụ. Trong dự thảo, vấn đề này được giải quyết và thể hiện tới đâu?
- Đổi mới phương thức quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm là một trong những nội dung được triển khai hết sức quyết liệt trong thời gian qua. Lần sửa đổi này, chúng tôi đã bước đầu tiếp cận theo hướng quản lý theo vị trí việc làm kết hợp với ngạch, lấy vị trí việc làm là trung tâm.
Nếu trước đây chúng ta coi ngạch, bậc là tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm vào một vị trí, thì quản lý theo vị trí việc làm là phải xác định được tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm; kết quả, sản phẩm yêu cầu đối với từng loại vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, làm việc ở vị trí việc làm nào sẽ được bổ nhiệm và ngạch tương ứng với vị trí việc làm đó. Dự thảo nghị định quy định cụ thể trường hợp: Nếu một người đang làm việc ở vị trí việc làm yêu cầu ngạch chuyên viên và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm đó thì được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên mà không cần phải thi nâng ngạch.
Đối với một số vị trí lãnh đạo, quản lý, hiện nay Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng dự thảo nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước và cũng được tiếp cận theo hướng này. Tức là, không coi việc giữ ngạch là tiêu chuẩn để bổ nhiệm, mà làm việc ở vị trí việc làm nào thì được bổ nhiệm vào ngạch tương đương và hưởng lương ở ngạch đó. Đồng thời, dự thảo nghị định cũng quy định không phải bổ nhiệm vào ngạch là giữ ngạch và hưởng lương theo ngạch đó suốt đời mà phụ thuộc vào vị trí việc làm đang làm. Việc bổ nhiệm vào ngạch thực hiện theo nguyên tắc có lên, có xuống căn cứ vào vị trí việc làm được phân công đảm nhiệm.