Vượt khó từ ý chí và sự sáng tạo
Có thể nói, lịch sử ngành cấp nước của Sài Gòn - TPHCM bắt đầu từ khi người Pháp thiết lập Sở Cung cấp nước Đô thành Sài Gòn năm 1874. Dấu tích lịch sử tiêu biểu của thời kỳ đầu ngành cấp nước thành phố chính là công trình thủy đài nằm trong khuôn viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.
Thủy đài được xây dựng vào năm 1886, được xem là thủy đài cổ xưa nhất của Sài Gòn và khu vực Đông Dương. Thủy đài được thiết kế theo hình oval, với 3 tầng, cao khoảng 25m và đường kính khoảng 10m; phần tường dày đến 2m có khả năng chịu lực cho 2 bể chứa nước khổng lồ với công suất từ 1.000-1.500m3/ngày. Công trình được người Pháp xây dựng làm đài chứa nước, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn vào những năm đầu thế kỷ XX và kết thúc sứ mệnh vào năm 1965.
Theo ông Lý Chung Dân, nguyên lãnh đạo gắn bó lâu năm với ngành cấp nước TPHCM, sau năm 1975, Công ty Cấp nước TPHCM tiếp nhận hệ thống cấp nước sẵn có với công suất 450.000m3/ngày. Những năm sau giải phóng, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tập thể cán bộ ngành cấp nước TPHCM vẫn quyết tâm vượt qua với ý chí và sức sáng tạo không ngừng.
Sau ngày 30-4-1975, toàn bộ hệ thống cấp nước gồm nhà máy, hệ thống phân phối, nhân lực vẫn còn nguyên vẹn gần như đầy đủ. “Ngay ngày 1-5, chúng tôi tập trung, bắt đầu trở lại sản xuất bình thường, giữ vững nguồn nước cung cấp cho người dân không ngưng nghỉ một ngày nào. Khoảng năm 1985 thì bắt đầu thiếu nước, nhưng vấn đề ở đây, cái khó khăn là do chính sách cấm vận của Mỹ. Ngành cấp nước thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, bởi toàn bộ nhà máy, thiết bị, đường ống đều của Mỹ”, ông Lý Chung Dân nhớ lại.
Theo đó, từng cái linh kiện điện điện tử được cán bộ, người lao động ngành cấp nước thành phố lúc bấy giờ lùng sục khắp thành phố để tìm thay thế. Bên cạnh đó là tìm cách nhập khẩu qua một nước thứ ba. Riêng những vật tư không có được thì người lao động ngành cấp nước nghĩ cách chế tạo trong nước nhằm thay thế thiết bị hư hỏng.
Thậm chí, theo ông Lý Chung Dân, có những cái bạt bơm phải sử dụng cả nòng đại bác để gia công, còn các vật tư về cao su, cylinder block là sử dụng cao su trong xích xe tăng, các cánh bơm thì tận dụng cánh bơm cũ cắt ra rồi nhờ các thợ lành nghề đúc lại. Từ những phụ tùng thay thế tự chế đó, nhà máy nước vẫn được hoạt động liên tục.
“Đó là sự đoàn kết và ý thức được tầm quan trọng của sản phẩm mình sản xuất ra phục vụ cho người dân như thế nào. Làm sao để nguồn nước phục vụ người dân không một ngày nào bị gián đoạn. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất”, ông Lý Chung Dân khẳng định.
Hiện đại hóa ngành cấp nước
Sau ngày thống nhất đất nước, chỉ trong gần 3 thập kỷ, tính đến năm 2005, công suất cấp nước tại TPHCM đạt trên 1 triệu m3/ngày, tăng gấp đôi so với năm 1975. Một động lực to lớn cho sự phát triển trong những thời kỳ nối tiếp. Hành trình của ngành cấp nước thành phố trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2005 và từ năm 2005 đến nay là minh chứng mãnh liệt cho thấy sự nỗ lực không ngừng và tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên ngành cấp nước.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, ngày 24-5-2005, Công ty Cấp nước TPHCM được chuyển đổi thành Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO).
Theo Tổng Giám đốc SAWACO Trần Quang Minh, đó là một sự chuyển mình, một bước nâng tầm ngành cấp nước thành phố, tạo điều kiện cho ngành cấp nước huy động được nhiều nguồn lực để phát triển. Thực tế, sau năm 2005, một loạt các nhà máy mới được đầu tư xây dựng, phát triển trên cơ sở xã hội hóa. SAWACO đã huy động được các nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường ống, đầu tư hiện đại hóa các nhà máy nước. Đây cũng là cơ sở để ngành cấp nước TPHCM có thể đạt được chỉ tiêu đảm bảo cấp nước sạch cho 100% hộ dân tại thành phố vào năm 2016.
“Chỉ tiêu 100% hộ dân sử dụng nước sạch là hết sức quan trọng đối với ngành nước và được duy trì liên tục từ năm 2016 đến nay và trong thời gian tới”, ông Trần Quang Minh khẳng định. Đến nay, mạng lưới đường ống cấp nước đã được đầu tư phát triển đến các khu vực ngoại thành thành phố để người dân vùng nông thôn có thể sử dụng được nguồn nước sạch.
Với mục tiêu khách hàng là trung tâm, trong suốt chặng đường phát triển, SAWACO đã không ngừng đổi mới để đem đến cho khách hàng - người dân TPHCM nguồn nước đạt chuẩn, an toàn, liên tục, đồng thời đảm bảo mục tiêu phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nhiệm kỳ 2020-2025, SAWACO đã triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giai đoạn 2022-2026”.
Chương trình được Tổng công ty và các đơn vị cấp nước thành viên triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện, bảo đảm cấp nước an toàn, phát triển khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và giảm tỷ lệ thất thoát nước. Trong đó, ngành nước thành phố triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm thủ tục hành chính, cải tiến các dịch vụ chăm sóc khách hàng như số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ngành cấp nước TPHCM cũng tập trung triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cấp nước, quản lý chất lượng nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mức độ an toàn trong sản xuất và quản lý nguồn nước đầu vào, đầu ra, xây dựng trung tâm quản lý vận hành hệ thống cấp nước (SWOC) tích hợp hệ thống SCADA, chia sẻ, tích hợp với các hệ thống như GIS, mô hình thủy lực để áp dụng vào quản lý mạng lưới cấp nước theo hướng công nghệ số.
Hiện nay, SAWACO đã tăng năng lực sản xuất nước hơn 200%, lên đến 2,4 triệu m3/ngày; quy mô mạng lưới tăng gần 500%, đạt gần 11.000km đường ống. Số lượng đấu nối dịch vụ tăng 300%, lên đến gần 1,6 triệu đồng hồ nước khách hàng để đảm bảo duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được cung cấp nước sạch với hơn 11 triệu dân đang làm việc, sinh sống tại TPHCM.
Tỷ lệ nước thất thoát thất thu từ hơn 40% năm 2005 hiện đã giảm xuống khoảng 13,5% (tính đến tháng 6-2024), chất lượng nước sạch đến với người dân luôn đạt quy chuẩn quốc gia của Bộ Y tế.