Tham dự lễ khai mạc có đông đảo nghệ sĩ: NSND Trịnh Kim Chi, NSƯT Tuyết Thu, MC Quỳnh Hoa, Hiền Mai, Ngọc Ánh, Kyo York, Đông Quân, Đoan Trường, MC Anh Quân, MC Quốc Bình, MC Ngọc Tiên, nhóm V.Music…
Tham dự lễ khai mạc có đông đảo nghệ sĩ: NSND Trịnh Kim Chi, NSƯT Tuyết Thu, MC Quỳnh Hoa, Hiền Mai, Ngọc Ánh, Kyo York, Đông Quân, Đoan Trường, MC Anh Quân, MC Quốc Bình, MC Ngọc Tiên, nhóm V.Music…
Trong ngày khai mạc, các nghệ sĩ mang đến nhiều ca khúc đặc sắc: Mùa xuân đầu tiên (sáng tác Văn Cao), Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Ngày tết quê em (Từ Huy)…
Ngoài các tiết mục ca nhạc nghệ thuật, biểu diễn lân sư rồng, khách du Xuân còn được thưởng thức màn biểu diễn thư pháp khai bút đầu Xuân và cho chữ của 30 ông đồ ngày nay – vừa hiện đại, vừa duy trì đầy đủ những nét tinh hoa xưa.
Cho chữ đầu năm là một phong tục dân gian vô cùng sâu sắc, ý nghĩa của cha ông ta. Thông qua một chữ xin vào đầu Xuân, người ta thể hiện ước mơ, khát vọng của cả gia đình trong suốt năm đó, và giữ mình, tu dưỡng, phấn đấu để cố gắng đạt được sở nguyện. Có thể nói, truyền thống “trọng chữ”, “chơi chữ” và yêu thích thư pháp là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa qua nhiều thế hệ, đã thấm sâu vào tâm tư, tình cảm và trở thành một nhân tố quan trọng trong tâm thức người Việt.
Đặc biệt, ngay sau lễ khai mạc là chương trình “Mang xuân đến – Tết cho em” do Hội đồng Đội TPHCM phối hợp Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cùng Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức.
Trong chương trình, ban tổ chức tặng 200 phần quà cho 200 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, trẻ diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố. Mỗi suất quà là một bao lì xì 1 triệu đồng. Các đại biểu, các văn nghệ sĩ có mặt cũng viết những câu chúc tết và lì xì sách cho các trẻ em khó khăn.
Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 24-1 đến ngày 14-2 (nhằm ngày 14 tháng Chạp đến Mùng 5 Tết) với nhiều hoạt động ý nghĩa: Phố ông đồ, không gian nghệ thuật sắp đặt sắc màu ngày tết, chương trình nghệ thuật đặc sắc, chương trình chăm lo tết, hoạt động tình nguyện, cộng đồng…
Không gian nghệ thuật sắp đặt Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 có ý tưởng kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trải nghiệm đa giác quan. Khuôn viên chính bên trong Nhà Văn hóa Thanh niên tái hiện những hình ảnh tết xưa với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi... Các mô hình được thiết kế cách điệu dựa trên sự kết hợp giữa phong cách xưa và hiện đại. Vật liệu được sử dụng là các sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại. Khuôn viên này cũng chính là nơi diễn ra các hoạt động chụp ảnh và biểu diễn nghệ thuật truyền thống, dân gian ngày tết.
Làm nên không khí rộn ràng xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đặc sắc: Chương trình nghệ thuật hát bội “Xuân yêu thương – Xuân vạn phúc”; chương trình Đờn ca tài tử Nam bộ, kết hợp giao lưu biểu diễn của các Thầy Đờn; chương trình cải lương “Tiếng tre xanh”; chương trình Dân ca “Thành phố tôi yêu”; chương trình biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ (Nhóm hát Bài Chòi “À Ơi Phố” của Thành đoàn Thành phố Hội An); chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các bạn sinh viên Trường Đại học FPT; chương trình biểu diễn ca múa nhạc, biểu diễn thời trang; chương trình live show các ca sĩ; chương trình liveband nhạc trẻ, biểu diễn lân sư rồng... Các chương trình này đan xen với hoạt động mua sắm, ẩm thực diễn ra liên tục, mang lại không khí rộn ràng những ngày cuối năm náo nức.
Nhằm hỗ trợ các em nhỏ cơ nhỡ, mái ấm tình thương vui tết, Lễ hội Tết Việt 2024 còn mang đến nhiều hoạt động như: Chương trình “Mang xuân đến – Tết cho em”, chương trình “Gắn kết yêu thương”...
Gần 17 năm tổ chức, Lễ hội Tết Việt thu hút hàng trăm ngàn người dân đến thưởng ngoạn, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Không gian văn hóa sinh động của lễ hội gợi lên nhiều cảm xúc ấm áp trong khoảng thời gian chuyển giao năm cũ, năm mới; đồng thời tạo nên dấu ấn văn hóa đặc sắc của TPHCM khi Xuân về, quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của thành phố.