Là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng đánh giặc Ân, mang lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc (huyện Sóc Sơn), cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Năm 2024, lễ hội Gióng tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17-2.
Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ. Phần lễ được bảo đảm duy trì theo đúng nghi lễ thực hành đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ban tổ chức bố trí điểm tán lộc tại cung cấm đền Thượng, tạo điều kiện cho du khách xin cành hoa tre, lộc trầu cau… không có chuyện tranh cướp lộc, tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thản. Chính vì vậy hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.
Phần hội năm nay có sự tham gia của nhiều tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân các địa phương. Ngoài hoạt động thi đấu thể dục thể thao (vật, bóng chuyền hơi), sẽ có các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm...
* Cùng ngày, hàng ngàn đại biểu, người dân và du khách thập phương đã dự lễ hội Cổ Loa, dâng hương, dâng lễ tưởng niệm Đức vua An Dương Vương, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, Cổ Loa được chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất nước, nhưng với người dân Đông Anh vẫn còn lưu giữ kho tàng huyền thoại về An Dương Vương xây thành Ốc, chuyện nàng tiên gánh đất xây thành, chuyện diệt Bạch Kê tinh ở núi Sái hay tướng Cao Lỗ chế nỏ thần diệt quân xâm lược…
Trong khuôn khổ chương trình lễ hội, các đại biểu, cộng đồng dân cư Bát xã Loa Thành và du khách thập phương đã cùng tham gia thực hiện nghi thức dâng lễ vào đền vua An Dương Vương, tham gia chương trình tế lễ, nghênh rước của Bát xã Loa Thành.