Bà nội tôi thường nói rằng, vào lúc giao thừa bà đã xin trời phật phù hộ cho đại gia đình sức khỏe, sự yêu thương, đoàn kết trong gia đình. Bà còn xin cho mỗi gia đình riêng một túi bùa đỏ tươi, đặt lên bàn thờ sẽ được tổ tiên phù hộ cả trong một năm.
Nhà tôi nằm khuất sâu trong con ngõ, bà nội cứ hễ đến đầu ngõ đã gọi tên anh em tôi để báo trước, ra đón bà. Bà tôi là một tín đồ phật giáo, bà thường ở chùa nhiều hơn ở nhà. Sau các nghi lễ đón giao thừa ở chùa và ở nhà riêng, bà thường đến nhà tôi đầu tiên vì bố tôi là con trai cả.
Sau khi đợi anh em tôi dậy vệ sinh cá nhân xong, bà kêu cả gia đình đứng trước ban thờ làm lễ. Hai anh em tôi nhanh chóng vào vị trí và chắp tay làm theo bố mẹ. Tôi rất tò mò trong chiếc túi bà đặt lên bàn thờ có những gì nhưng chưa được phép hỏi ngay. Sau khi làm lễ xong, bà tôi ăn trầu, miệng đỏ hoe. Bà ngồi nhâm nhi chén trà nóng đầu năm, dặn dò bố mẹ tôi một vài điều và lì xì cho anh em tôi.
Phong bao lì xì đỏ tươi cho anh tôi với lời chúc học hành giỏi giang, nghe lời cha mẹ còn phong bao lì xì màu xanh dương bà dành cho tôi với lời chúc hay ăn chóng lớn. Rồi bà ngồi phân tích về những điều nên làm và hạn chế làm trong năm mới để phù hợp với số mạng của từng người. Hồi đó tôi còn nhỏ không hiểu gì nhiều nhưng cứ thấy bà nói rất hay, bà như một thầy tướng số thực thụ.
Bà tôi bao giờ cũng ngồi nói chuyện đầu năm đến hết tuần hương mới đi đến nhà các chú tôi. Bà bảo rằng, túi bùa may mắn kia không được phép mở ra, mỗi khi đến ngày rằm hay mùng một đều phải thắp hương khấn vái thành tâm. Điều đó như tạo ra một chỗ dựa tinh thần vững chãi cho gia chủ để có một năm gặp nhiều may mắn. Ngoài ra bà còn rút sẵn quẻ tại chùa cho bố mẹ tôi, bà thường nói rằng, các con buôn bán luôn phải đặt chữ tín lên hàng đầu, sức khỏe là thứ quý giá nhất cuộc đời và sự yêu thương là điều luôn cần phải cho đi.
Việc bà nội xông đất, đặt túi bùa may mắn, làm lễ và căn dặn gia đình tôi và các chú đã diễn ra như vậy trong suốt gần ba mươi năm. Kể cả khi anh em tôi đã lớn và lập gia đình, kẻ ở xa người ở gần, bà đều lặn lội đến đầu tiên. Có những năm trong giấc ngủ chưa tỉnh giấc, tôi giật mình nghe tiếng bà gọi từ đầu ngõ, lật chăn bật dậy ra đón bà thì mới ngỡ là giấc mơ.
Còn có năm tôi theo chân bà đến nhà các chú rồi nép vào nách bà nghe bà kể về một năm những được và mất. Thành viên trong gia đình càng ngày càng đông thêm nhưng câu chuyện của bà chẳng bao giờ bị cắt ngắn, những lời dặn của bà cũng không bị lỗi thời…
Khi anh em chúng tôi ra ở riêng, bà lên chức cụ nhưng vẫn là người đến xông nhà đầu tiên, bỏ qua mọi tính toán về xem tuổi tác, bà thường bảo đã là người thân trong gia đình thì chỉ mong điều tốt lành đến với nhau, chỉ cần nghĩ thế là được. Thế rồi, những túi bùa may mắn bà lại tôn kính đặt lên bàn thờ gia tiên, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới bình an, tốt đẹp.
Theo lớp cuộn của thời gian, bà về với miền mây trắng. Tết đến chẳng còn được bà gọi í ới từ đầu ngõ, chẳng được nghe bà kể chuyện người xưa. Bố mẹ, anh em chúng tôi chỉ biết nhìn vào những túi bùa may mắn của các năm trước và làm lễ khấn bái theo lời bà dạy. Ấm trà nóng pha sẵn, bố tôi rót một chén dâng lên bàn thờ mời bà trước tấm di ảnh nở nụ cười ấm áp.
Con cháu của anh em tôi cũng bắt đầu lớn, tôi thường kể cho chúng nghe về sáng mùng một hằng năm trước đây thường có một bà tiên xông nhà, đặt lên ban thờ túi bùa may mắn. Chắc có lẽ chúng không hiểu hết vì những ngổn ngang của cuộc sống hiện đại và suy nghĩ của lớp trẻ nhỏ giờ cũng khác xưa.
Ngay cả đến vợ tôi cũng nói rằng cứ để các con ngủ đến bao giờ dậy thì dậy, xong ta làm lễ sau, rồi đi chùa xin lộc, điều đó càng làm trong lòng tôi nhớ bà nội nhiều hơn, nhớ giọng bà gọi, nhớ việc bà gọi con cháu vào làm lễ theo đúng thứ tự và những câu chuyện đầy cuốn hút xoay quanh lá thẻ đầu năm bà rút tại chùa.
Nhưng biết làm sao được khi ký ức là những cơn đau quằn quại không dứt, thôi đành rót chén trà nóng cùng miếng trầu thơm dâng bà như một lời tạ tội đầu xuân!
NGUYỄN VĂN CÔNG
Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội