Trao đổi với phóng viên báo SGGP, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, số ca nhiễm cộng đồng tăng trở lại thời gian gần đây là do TPHCM đang tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để bóc tách tất cả F0 trong cộng đồng và một phần do người dân chưa triệt để tuân thủ giãn cách.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nguyên nhân nào khiến số F0 đang có sự tăng nhanh thời gian gần đây? Việc gia tăng vậy có ảnh hưởng gì đến công tác phòng chống dịch của TP?
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã có kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh Covid-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn. Từ ngày 15-8 đến 22-8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Như vậy, số ca F0 cộng đồng tăng nhanh là do ngành y tế đang tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0 (cụ thể ngày 17-8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng, ngày 18 có 2.848, ngày 19 có 3.603, ngày 20-8 có 2.789, ngày 21-8 có 2.885).
Theo phân tích số ca mắc trong những ngày gần đây, ngành y tế nhận định, F0 trong cộng đồng vừa phát hiện những ngày qua chủ yếu tập trung ở những nơi có mật độ dân số cao, hẻm nhỏ, khu dãy nhà san sát nhau, nơi tập trung đông dân cư. Điển hình, quận 1 ghi nhận ổ dịch ở khu vực Chợ Gà là nơi người dân sống đông đúc. Theo đó, có thể nói nguyên nhân F0 cộng đồng tăng là người dân chưa tuân thủ triệt để giãn cách, chưa đảm bảo 5K trong gia đình, khu trọ... Mặc dù số lượng F0 cộng đồng tăng có thể khiến người dân hơi lo ngại, song đây là thực tế và ngành y tế sẽ làm đến cùng để phát hiện tất cả trường hợp mắc Covid-19.
Ngành y tế làm gì để kiểm soát những ca F0 cộng đồng tăng nhanh trong thời gian gần đây?
Việc kiểm soát dịch có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà. Ý thức của cộng đồng trong việc tuân thủ quy định giãn cách sẽ là tiền đề quan trọng trong việc cắt nguồn lây nhiễm. Số ca bệnh ngoài cộng đồng tăng cao, để kìm hãm sự gia tăng của các F0 trong cộng đồng, người dân cần thực hiện đúng tinh thần “ai ở đâu thì ở yên đó”. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức, “ngoài chặt trong lỏng”, đặc biệt là tại các khu phong tỏa.
Cùng với quyết tâm bóc tách tất cả các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng dân cư, ngành y tế thành phố thiết lập 3 tầng thu dung điều trị, trong đó tầng 1 lần đầu tiên triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với gói thuốc điều trị tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe, đồng thời giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị thuộc tầng 2.
Bên cạnh đó các bệnh viện thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và các trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giúp giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho các bệnh viện tầng 3. Ngoài ra, các Trung tâm Hồi sức Quốc gia đã đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay.
TPHCM vừa tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng chống dịch trong đó tập trung chăm sóc F0 nhằm hạn chế tử vong và đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đến nay năng lực của ngành y tế liệu có đủ để thực hiện những giải pháp trên, thưa ông?
TPHCM tận dụng một tháng giãn cách để đẩy mạnh xét nghiệm thần tốc, kiên quyết tìm ra F0 trong các khu cách ly, phong tỏa lẫn trong cộng đồng. Khi nhiều F0 trong cộng đồng được phát hiện, nhưng được tổ chức quản lý cách ly điều trị tại nhà tốt với “gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0” sẽ giảm tải cho cơ sở y tế. Đối với những người F0 có yếu tố nguy cơ hoặc không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ được cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của địa phương và các bệnh viện dã chiến của quận huyện và TP để đảm bảo an toàn cho người mắc Covid-19.
Dự báo khối lượng công việc sẽ tăng gấp nhiều lần trong những ngày sắp tới đòi hỏi toàn ngành y tế tiếp tục nỗ lực cùng với sự chi viện nguồn nhân lực y tế kịp thời từ Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ các cơ sở y tế bổ sung các trang thiết bị cần thiết, chúng tôi tin rằng ngành y tế cùng với các sở, ban ngành và chính quyền địa phương các cấp sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên.
Theo ông, thời gian tới người dân thành phố cần làm gì để có thể chung tay hỗ trợ TP trong công tác phòng chống dịch?
Hiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TPHCM, ngành y tế quyết tâm nỗ lực hết mình trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh việc tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong, ngành y tế sẽ tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân. Hơn hết, lúc này, người dân cần bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K + vaccine.
Xin cảm ơn ông!