Tuần qua, TPHCM ghi nhận 581 trường hợp mắc tay chân miệng

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến hết tuần qua là 5.086 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và quận 8.

Tuần qua, TPHCM ghi nhận 581 trường hợp mắc tay chân miệng

Ngày 30-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tuần qua TPHCM ghi nhận 581 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 26% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến hết tuần qua là 5.086 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và quận 8.

Trước số ca mắc đang có xu hướng gia tăng, ngành y tế thành phố cho biết hiện luôn trong tư thế chủ động phòng chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra. Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng được duy trì thường xuyên nhằm cung cấp dữ liệu cho việc dự báo tình hình dịch bệnh.

Ngành y tế và ngành giáo dục các cấp phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các trường mầm non, nhóm trẻ. Sở Y tế giao HCDC giám sát hỗ trợ các trung tâm y tế quận huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học và trong cộng đồng.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch. Cụ thể: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày và không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Cũng theo HCDC, tuần qua thành phố đã giám sát thực tế ở 12 điểm nguy cơ sốt xuất huyết tại phường 2 (quận 5), phường 4 (quận 11), phường 2 (quận Tân Bình) và xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn). Kết quả cho thấy có 2/12 (17%) điểm nguy cơ có phát hiện lăng quăng. Theo HCDC, hiện mùa mưa đã bắt đầu, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng.

Ngành y tế thành phố kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát, trong đó chú ý các hoạt động: đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (như chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ và các dụng cụ chứa nước khác...).

Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải; ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi… Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.

Tin cùng chuyên mục