Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thể hiện quan điểm và cam kết góp phần bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, hướng tới xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng: Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước.
Theo ông Trần Quý Kiên, quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước.
Đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1980 đến nay, tổng lượng nước khai thác trên thế giới tăng trên 1% mỗi năm, tạo thêm sức ép ngày càng lớn về nước ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện tại, trên thế giới, khoảng 780 triệu người chưa có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch an toàn, trong khi đó, cả nguồn nước mặt và nước dưới đất đang ngày càng bị suy thoái, ô nhiễm. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, thế giới sẽ cần thêm 30% nước sạch so với nhu cầu hiện tại vào năm 2030 và có thể lên đến 44% vào năm 2050.