Trung tâm của chuỗi hoạt động là khuôn viên hồ Mạc – nơi diễn ra “không gian văn hóa Mường”, nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng người Mường bản địa – một thành tố quan trọng, làm nên giá trị của di sản thiên nhiên Cúc Phương.
Cùng lúc, các hoạt động tham quan, du lịch sẽ diễn ra tại các điểm nổi tiếng của Vườn quốc gia Cúc Phương, như: Trung tâm Du khách, chương trình Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, chương trình Bảo tồn tê tê và thú ăn thịt nhỏ, chương trình Bảo tồn rùa, Bảo tàng Cúc Phương, Vườn thực vật Cúc Phương, động Người Xưa…
Các hoạt động chi tiết trong ngày khai mạc 4-2, tức 23 tháng Chạp gồm: Khai trương mô hình mê cung “kỳ thú Cúc Phương” với diện tích gần 3.000m2 tại sân vận động hồ Mạc. Mê cung lấy cảm hứng từ hình dáng một món quà vô giá, dấu ấn “đặc trưng” trong lịch sự kiện thiên nhiên Cúc Phương.
Khai trương cụm trò chơi dân gian tại khu vực hồ Mạc, gồm một số trò chơi dân gian độc đáo, mang bản sắc dân tộc, như: ném còn, đu tiên, bập bện, cà kheo... Dựng cây nêu truyền thống, gói 300-500 bánh chưng tết.
Các ngày 14 và 15-2 (mùng 3 và mùng 4 Tết): workshop “Vạn sắc màu – Một tình yêu”, Cúc Phương sẽ trở thành mái nhà chung cho các nghệ sĩ sáng tạo và gới thiệu các tác phẩm về thiên nhiên, môi trường, ở nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau (mỹ thuật, âm nhạc, văn học…).
Theo đó, workshop này do nhóm “Ký họa di sản đô thị Hà Nội” (Urban Sketchers Hanoi) và những người bạn, cùng phối hợp tổ chức.
Nhóm sẽ sáng tác chung 1 bức tranh khổ lớn (12m2), chất liệu acrylic với chủ đề mang thông điệp bảo vệ mẹ thiên nhiên. Đồng thời, khoảng 100 thành viên (là họa sĩ chuyên và không chuyên), sẽ sáng tác ký họa về phong cảnh thiên nhiên, con người Cúc Phương.
Ngày 16-2, (mùng 5 Tết) diễn ra chương trình “Thêm xanh cho cánh rừng già” với chương trình hưởng ứng đề xuất của Thủ tướng Chính phủ về “trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới”.