Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ ngày 3-11 đến 5-11, với 4 nhóm vấn đề tương ứng với 4 bộ trưởng, trưởng ngành: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.
Cũng trong lĩnh vực giám sát, ngay trong ngày làm việc đầu tuần, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Trong công tác xây dựng pháp luật, tuần này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể.
Lãng phí hữu hình và vô hình Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 năm 2016-2021 là chủ đề sẽ được Quốc hội giám sát tối cao trong cả ngày 31-10. Cử tri cả nước đang rất quan tâm đến việc 18.000ha đất đai hiện bị bỏ hoang; hàng ngàn dự án đầu tư công chậm tiến độ và có xu hướng tăng qua các năm. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2021, qua thanh tra, kiểm tra 73.253 cơ quan, đơn vị, các cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng, 63.200ha đất. Qua điều tra, xét xử, tổng giá trị thiệt hại, thất thoát, lãng phí của các vụ án đã kết luận, xét xử là gần 32.000 tỷ đồng… Cũng còn những lãng phí khác - “vô hình”, song không hề nhỏ, thậm chí là căn nguyên của rất nhiều lãng phí “hữu hình”, đó là: công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn nhiều sơ hở, “tạo đất” cho lãng phí, tiêu cực. Giai đoạn 2016-2021, chỉ riêng Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 27.374 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Cơ chế quản lý tài chính, quy định một số khoản chi còn thiếu nhất quán hoặc chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chưa được phát hiện hoặc sửa đổi kịp thời… Việc xử lý những vi phạm “hữu hình” cần song hành với sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để trị từ gốc căn bệnh lãng phí, tạo cơ sở vững chắc cho thực hành tiết kiệm. ANH PHƯƠNG |