Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội nghe các báo cáo và thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là văn bản pháp quy có tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Các dự án luật khác cũng sẽ được cơ quan lập pháp thảo luận trong tuần, gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Chương trình nghị sự cũng bao gồm các dự án nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Ngày 29-5, trong phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV1 và VOV1, Quốc hội thảo luận ở hội trường, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng trong chương trình làm việc tuần này, Quốc hội còn xem xét một số báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025...
Rất cần cung cấp “kháng sinh” cho doanh nghiệp
Việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) trong phiên thảo luận mới đây. Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của một số ĐB về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Nghị quyết này.
ĐB Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Cần xem nhà ở xã hội là đầu tư công
Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho người lao động thuê. Tôi cho rằng, doanh nghiệp rất khó sử dụng nguồn vốn vay của mình để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, do đó Nhà nước phải xem đầu tư nhà ở xã hội là đầu tư công. Điều này cũng giống như chúng ta đầu tư ký túc xá cho sinh viên.
ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM: Lãng phí thời gian, cơ hội là lãng phí lớn nhất
Thời gian qua có thể thấy, nhiều quyết định hành chính không được phê duyệt kịp thời, cấp dưới chờ cấp trên, thậm chí đùn đẩy hoặc là chồng chéo văn bản hướng dẫn thi hành... Việc chúng ta lãng phí thời gian, cơ hội, chính là sự lãng phí lớn nhất còn hơn cả lãng phí tài sản vật chất. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng là năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Chúng ta cần tận dụng thời cơ, cơ hội mới đưa đất nước phát triển lên một giai đoạn mới.
ĐB Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng
Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục tăng sức “đề kháng” và cung cấp “kháng sinh” cho doanh nghiệp. Tôi cũng không mong muốn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp dừng lại mà phải tìm mọi cách để thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ này đến với các doanh nghiệp.
VĂN MINH ghi