Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, tổ chức chiều 8-1, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ 13 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2021.
Theo đó, quán triệt phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, Bộ sẽ tập trung vào thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ.
Cùng với đó, tập trung vào các khâu đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Bộ cũng sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Đặc biệt, việc tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được thông qua được coi là một trọng tâm quan trọng của toàn ngành, song song với việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế; tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp, triển khai tốt các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực và giảm chi phí dịch vụ logistics; thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn…
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, ngay trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp được thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015. Đây được coi là kết quả bước đầu khả quan của năm 2021, năm Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2021).