Đến với đất thiêng
Trước khi Nam bộ kịp bước vào mùa mưa, từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 5 năm sau, là thời điểm thuận lợi để khách thập phương đến với Côn Đảo. Vừa hết tháng giêng, mỗi ngày sẽ có hơn 20 chuyến bay chở khách từ khắp nơi đến với đất thiêng. Đó là chưa kể các nhóm khách đi tàu từ Vũng Tàu hoặc xuất phát từ cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Cứ thế, du khách chọn Côn Đảo làm điểm đến ngày càng nhiều, trong đó có nhiều người rất trẻ. Mỗi người chọn vùng đất này bởi những lý lẽ riêng.
Đạt Đinh, một bạn trẻ 9x thuộc thế hệ Gen Z lần đầu đến Côn Đảo vào giữa tháng 5, chọn điểm du lịch đặc biệt này để khởi đầu cho mùa hè bằng sự hiếu kỳ và hào hứng trải nghiệm cho hành trang tuổi trẻ. Nhưng rồi, “vẻ đẹp hoang sơ của đảo Côn Sơn thật sự làm em choáng ngợp. Em đã dành 2 ngày để khám phá từng ngóc ngách nơi đây, từ Hòn Bà, hòn Bảy Cạnh đến bãi Đầm Trầu, ngắm hoàng hôn ở bến Đầm, hít hà từng cơn gió mang theo mùi của biển đảo… Nhưng em phải thừa nhận là mình bị thu hút nhiều hơn bởi những câu chuyện của quá khứ”, Đạt bộc bạch.
Từ ngày thực dân Pháp chiếm đóng và biến Côn Sơn trở thành “địa ngục trần gian”, rồi đến đế quốc Mỹ nhân tội ác đó lên, mỗi con số, câu chuyện, nhân vật trên từng bảng thuyết minh tại Bảo tàng Côn Đảo, trại Phú Hải hay Sở Cò như từng trang sử sống động hiện diện, rồi khắc sâu vào tâm trí của những lớp người trẻ. Họ đi, đọc và ghi nhớ thật nhiều. Những dữ liệu hào hùng của cha ông chính là điều mà mỗi người phải đến để cảm nhận từng trải nghiệm diệu kỳ của cảm xúc. Kết thúc chuyến đi, Đạt và nhóm bạn thừa nhận: “Chuyến đi này, bọn em lời quá!”.
Ngày càng nhiều người trẻ chọn Côn Đảo làm điểm đến trong hành trình của mình. Trong các đoàn khách đến tham quan nhà tù, bảo tàng, cầu tàu 914 hay chiếc cầu Ma Thiên Lãnh không bao giờ có thể thành hình ấy, có rất nhiều bạn là học sinh, sinh viên.
Điểm tựa
Một buổi chiều chạng vạng của tháng 5, bạn Võ Thúy cùng nhóm bạn từ TPHCM đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Nhóm bạn 9 người chia nhau len lỏi đến thắp hương cho từng ngôi mộ ở phía xa nhất. Họ đi giữa hàng hàng lớp lớp ngôi mộ của những anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống mảnh đất này để thấy sự phi thường của cuộc sống.
Nhìn thật lâu vào cờ Tổ quốc như tạc vào bầu trời Côn Đảo, Thúy nói: “Nằm lại Nghĩa trang Hàng Dương là gần 2.000 liệt sĩ, nhưng có tài liệu thống kê, có đến hơn 20.000 tù nhân chính trị đã hy sinh tại Côn Đảo. Còn biết bao nấm mồ vô danh, có những chiến sĩ đã nằm lại trong từng gốc cây, ngọn cỏ, hòa máu xương vào biển vào cát nơi đây. Chừng ấy đủ để Côn Đảo trở thành thánh địa tâm linh của lòng biết ơn, tri ân các tiền nhân, hơn là lễ nghi chiêm bái đơn thuần”.
Với nhiều người, Côn Đảo là đất thiêng để gửi gắm ước nguyện riêng. Cũng như biển rộng bao dung, tấm lòng tiền nhân sẽ trở thành nơi trú ẩn cho thế hệ sau. Về đây để được tiếp thêm sức mạnh từ những người đi trước. Cuộc sống có lúc khó khăn, chỉ cần đủ bản lĩnh để vượt qua đoạn gấp khúc của cuộc đời đã là may mắn, bởi thứ chúng ta đối diện nhỏ bé đến nhường nào khi nhìn vào dòng lịch sử hiển hiện trên từng tấc đất nơi này. Có bạn trẻ bộc bạch: “Gia đình tôi không có câu chuyện quá khứ với Côn Đảo nhưng tôi thích đến đây và xem như nơi để chữa lành. Tôi đi đến vùng đất lạ nhưng như thể đang trở về, đó là cuộc trở về với bản ngã của chính mình”.
Trở lại nơi đây hàng năm còn có những cựu tù chính trị, họ hẹn nhau khi còn sống sẽ tìm về. Họ trở lại chiến trường xưa, ngoài đồng đội, còn có những lớp con cháu đến để nhìn thấy những nhân chứng lịch sử, mà trong đó cha ông của họ là những mảnh ghép không thể tách rời. Mỗi nhân vật lẫy lừng cùng lý tưởng vì đâu họ chọn lẽ tử sinh trong từng câu chuyện sử ở chốn này - đã không còn là trang sách cần đọc, mà trở thành điểm tựa cho lớp người sau học cách để vững vàng bước tới.