Nguy kịch
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân 115 vừa tiếp nhận một trường hợp nguy kịch liên quan tới nhiễm trùng và sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà. Người bệnh là nữ, trước đó có cảm giác sốt nhẹ, đau nhức người do nhiễm siêu vi cảm cúm và được người quen giới thiệu dịch vụ “truyền nước biển” tại nhà. Ngay sau khi truyền chai dung dịch có màu trắng hồng khoảng 10 phút, người bệnh đột ngột khó thở, vật vã, nôn ói nhiều, vã mồ hôi, run tay chân và được người nhà đưa tới Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng tụt huyết áp nặng, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ độ 3 liên quan dịch truyền tại nhà không rõ bản chất. Sau khoảng 1 tuần điều trị tích cực, người bệnh được xuất viện.
Không quá khó để tìm kiếm “dịch vụ truyền dịch tại nhà” qua các mạng xã hội. Có nơi cử người đến tận nơi truyền dịch mà không cần hỏi thêm bất cứ thông tin gì; thậm chí cung ứng đa dạng dịch vụ như truyền nước biển, muối, đường, đạm hay truyền cả vitamin B, C, vitamin tổng hợp và truyền trắng để làm đẹp. BS-CK1 Nguyễn Hữu Tín, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, việc truyền dịch tại nhà mang nhiều tiện lợi do người bệnh khi không phải đến bệnh viện, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng tới sức khỏe như nhiễm khuẩn, sốc phản vệ.
Thông thường, cơ thể con người được bảo vệ khỏi vi khuẩn bởi hàng rào vững chắc của da. Khi truyền dịch trực tiếp vào mạch máu, nếu dịch truyền bị nhiễm khuẩn hoặc quá trình tiêm truyền không vô khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp vào máu và gây ra hậu quả nguy hiểm, nặng nề, đe dọa tính mạng. Đây là lý do chế phẩm dịch truyền cần có nguồn gốc rõ ràng và kỹ thuật truyền dịch cần được tiến hành bởi nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, thành phần trong dịch truyền là một chất “lạ” với cơ thể, đặc biệt là các loại dịch truyền chứa nhiều dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. “Những chất lạ này khi được truyền vào cơ thể có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch quá mức, nhẹ thì dị ứng, nặng thì phản vệ đe dọa tính mạng. Do đó, khi truyền dịch luôn cần có nhân viên y tế ở gần để sẵn sàng xử trí cấp cứu nếu tình trạng dị ứng xảy ra”, BS-CK1 Nguyễn Hữu Tín lưu ý.
Chỉ truyền dịch khi có chỉ định
Theo các chuyên gia y tế, dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Trước khi truyền, người bệnh cần được khám tim, phổi, đo mạch… Ngoài ra, để đề phòng rủi ro, trước khi truyền, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ chất lượng dịch truyền, đồng thời lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn đục hay không và chỉ dùng những chai thuốc trong suốt. Chỉ truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải được dùng ngay. Trong quá trình truyền dịch, người bệnh cần được theo dõi liên tục để đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch, như: người bị suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp…
Theo BS-CK1 Nguyễn Hữu Tín, cơ thể con người có cơ chế điều chỉnh rất hay, thông thường các chất dinh dưỡng và nước luôn được nạp qua hệ thống màng lọc bảo vệ tự nhiên từ niêm mạc ruột đường tiêu hóa trước khi đi vào máu. Không nên tự ý phá vỡ cơ chế này bằng cách truyền dịch trực tiếp vào máu của mình, trừ khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp thật sự cần thiết. Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bổ sung đủ nước và dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật.
“Nếu có triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức hay mất nước, hãy tìm tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí phù hợp. Bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch khi cần thiết, quyết định loại dịch truyền nào phù hợp với tình trạng hiện tại cũng như có phương án đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro xảy ra”, BS-CK1 Nguyễn Hữu Tín khuyến cáo.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Y tế Toàn Phúc (số 47/56 Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TPHCM) do quảng cáo trái phép cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà; ký hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ y tế chưa được phép với Công ty cổ phần ứng dụng PKH để thực hiện dịch vụ đặt lịch khám tại ứng dụng Medpro.
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế phát hiện một người phụ nữ tên V.K.P. thực hiện truyền dịch trái phép tại quán cafe Gờ (số 133A Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, TPHCM); hay trường hợp ông N.B.T., Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Chăm sóc y tế VMEDI (số 255/14 liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM) quảng cáo dịch vụ “truyền nước biển tại nhà” trái phép. Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.