Dù với kịch bản nào, chúng ta cũng cần kế hoạch ứng phó cụ thể tương ứng, khi đặt trong bối cảnh, hiện trạng của hệ thống y tế công của thành phố hiện nay, những nguy cơ thiếu hụt, cả con người (lực lượng y tế công cộng và đội ngũ điều trị) lẫn thuốc, thiết bị y tế… Kể cả sự chủ động phối hợp trong quản trị thực thi của bộ máy quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ đắc lực ngành y cũng có dấu hiệu ách tắc, ví dụ như vụ 40.000 nhân viên y tế được khen mà chậm nhận thưởng.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần sớm có cơ chế đặc biệt áp dụng cho lĩnh vực y tế, cụ thể: Tháo gỡ các quy định vướng mắc gây khủng hoảng vật tư y tế (thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư y tế: từ cây kim, sợi chỉ, bông băng, chai cồn, dây truyền, kim tiêm… cơ bản nhất đều rất thiếu thốn); Nhân lực y tế (tăng lương, phụ cấp); Cải tổ quản trị bệnh viện. Ứng vào các kế hoạch, chỉ đạo của TPHCM là đưa vào vận hành Trung tâm Mua sắm tập trung của ngành y tế; bàn giao và tiếp nhận các trung tâm y tế quận huyện và TP Thủ Đức trực thuộc Sở Y tế sang trực thuộc UBND quận huyện và TP Thủ Đức; tăng tốc việc tiêm vaccine mũi 4…
Việc cần làm ngay là tăng lương cho 2 đối tượng thuộc khu vực công theo chiến lược “tằm thực” vừa giúp kích cầu vừa hạn chế tạo ra kỳ vọng lạm phát trong dân: năm 2022 tăng lương khu vực y tế, năm 2023 tăng lương cho khu vực giáo dục. Khuyến nghị xây dựng chế độ thu nhập cho cán bộ, công chức 2 khu vực này tương đương chế độ áp dụng cho khu vực công an, quân đội. Vì các đơn giá, định mức tiền công, tiền lương, phụ cấp của ngành y tế và giáo dục đang áp dụng ở mức quá thấp, từ hơn 10 năm trước, nên có tăng 100-200% cũng không tạo ra sự thay đổi đáng kể. Như đơn giá phụ cấp tiền trực theo giờ của bác sĩ phải tăng 800% mới bằng tiền công của một thợ hồ hiện nay. Thực tế, quy định tài chính đối với ngành y khi phụ cấp tiền trực vẫn đang áp dụng theo quyết định ban hành từ 11 năm trước!
Sở Y tế TPHCM vừa đưa ra 3 nguy cơ hiện hữu: thiếu thuốc và thiết bị y tế, thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập, nguy cơ dịch chồng dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc: cùng lúc, các nhà quản trị quốc gia/địa phương phải gia tăng, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp để kiện toàn hệ thống nhân lực, vật lực của nền y tế quốc dân; và hệ thống y tế toàn quốc tái kích hoạt guồng máy nhằm phát hiện, thăm khám, điều trị để bảo vệ sức khỏe, tính mạng toàn dân. Muốn giải quyết các nguy cơ y tế phải xử lý ổn thỏa các vấn đề sinh kế cho những con người trực tiếp tham gia chiến đấu mỗi giờ, mỗi ngày!