Bệnh nhân L.T.C (18 tuổi, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở. Qua khai thác tiền sử được biết, cách đây 1 năm, sản phụ bị basedow (bệnh lý tuyến giáp), có điều trị, tuy nhiên từ khi mang thai, sản phụ thấy các triệu chứng ổn định nên đã tự bỏ điều trị. Trong quá trình mang thai, sản phụ C. không đi khám định kỳ.
Theo các bác sĩ, cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng sản xuất hormone tuyến là thyroxin và triiodothyronin. Tuyến giáp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Lượng thyroxin của tuyến giáp quá nhiều trong cơ thể, thúc đẩy sự trao đổi chất được tăng cao đến mức độ bất thường. Bệnh tuyến giáp có 2 dạng là cường giáp và suy giáp. Tỷ lệ các sản phụ bị cường giáp khoảng 0,5% và bị suy giáp khoảng 2% số phụ nữ mang thai sinh nở tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh cường giáp nếu không được điều trị hoặc điều trị không kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng. Nếu chị em bị cường giáp trong thai kỳ thì dễ bị ngộ độc thai nghén, nguy cơ sảy thai lớn. Nếu bị suy giáp thì bé bị các dị tật, chậm phát triển tinh thần, trí tuệ. Nguy hiểm hơn, có trẻ sinh ra không phát hiện dị tật ngay, mà khi lớn lên mới phát hiện được. Trước những nguy hiểm của bệnh lý cường giáp đối với phụ nữ mang thai, các bác sĩ Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Phụ nữ bị cường giáp nếu đang điều trị thì nên điều trị khỏi, khi nào ngừng thuốc thì mới có thai. Nếu trong thời gian điều trị mà mang thai thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý. Người có nguy cơ bị cường giáp là những trường hợp có bệnh tuyến giáp từ trước, bướu cổ; trong gia đình có người thân bị bệnh tuyến giáp; lần trước có thai cũng bị tuyến giáp; những phụ nữ có tiền sử sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân... |