ĐBSCL tiếp tục góp mặt trong nhóm xuất khẩu chủ lực với 3 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm: tôm 4,33 tỷ USD, gạo 3,49 tỷ USD, rau quả 3,34 tỷ USD. Đây cũng là 3 mặt hàng mà các tỉnh, thành trong vùng quyết tăng tốc xuất khẩu trong năm 2023.
Con tôm vùng bán đảo Cà Mau lên ngôi
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang được xem là “bộ tứ” trong vùng bán đảo Cà Mau đột phát đưa thủy sản thành mũi nhọn kinh tế. Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục là đơn vị dẫn đầu ngành xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL khi giá trị xuất khẩu đạt 1,05 tỷ USD (tăng 6,49% so với cùng kỳ). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng vượt mốc 1 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ gặp một số khó khăn nhất định nhưng theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, trong đó trọng tâm vẫn kỳ vọng vào con tôm nước lợ.
Thu hoạch tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng |
Tương tự, tại Cà Mau, năm 2022, xuất khẩu thủy sản là điểm sáng khi giá trị đạt trên 1 tỷ USD. Lý giải về kết quả xuất khẩu đạt con số ấn tượng trên, Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các ưu đãi về mặt thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã giúp các mặt hàng xuất khẩu của Cà Mau có lợi thế hơn các nhà xuất khẩu khác, nhất là mặt hàng tôm so với các nước Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador…
Theo sau con tôm, cá tra miền Tây đã bật tăng trở lại trên thị trường xuất khẩu. Hai tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành hàng xuất khẩu “tỷ đô” này. Năm 2022, xuất khẩu cá tra toàn vùng vượt mốc 2 tỷ USD, là ngành xuất khẩu khởi sắc nhất trong các ngành hàng thủy sản nhờ giá xuất khẩu tăng và cơ hội thị trường cũng nhiều hơn. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin: Cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp. Ngành hàng này đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi, đồng thời đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh nhà.
Hình thành vùng sản xuất lớn các ngành hàng chủ lực
Tiếp bước Tiền Giang và Bến Tre, Cần Thơ đã hình thành vùng trồng sầu riêng gắn với mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Những ngày cuối năm 2022, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp sầu riêng hữu cơ Vì Nông ở huyện Phong Điền đã trở thành hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn TP Cần Thơ được kiểm tra vùng trồng, tiến đến cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Với tổng diện tích hơn 25ha (18 hộ dân), hiện hợp tác xã này được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu liên kết bao tiêu sản phẩm. Cần Thơ có trên 24.000ha cây ăn trái, và sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực với diện tích gần 2.500ha. Trong đó, có 8 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng sầu riêng đã được chứng nhận VietGAP với diện tích trên 117ha, khả năng cung ứng 2.852 tấn/năm.
|
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, đến nay trên địa bàn đã có 662 tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích gần 600ha. Phần lớn diện tích trồng sầu riêng này có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ. Đây được xem là những bước đi quan trọng của ngành hàng trái cây để chủ động xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đối với ngành hàng lúa gạo, hiện nay sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. Trong đó, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ là 4 địa phương có diện tích nông dân trồng lúa theo đơn “đặt hàng”, bao tiêu của doanh nghiệp lớn nhất trong vùng. Nông dân tuân thủ thực hiện các quy trình sản xuất lúa đạt chất lượng an toàn để doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Với Đồng Tháp, cây lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Để nâng cao giá trị cây lúa, tỉnh đã và đang tập trung vào nhiều mô hình sản xuất tiên tiến như “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”.
Các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong một số mô hình được triển khai, qua đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất đã giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Quy trình sản xuất từ khâu chọn giống - trồng - chăm sóc - thu hoạch - chế biến đều có sự đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, để nông dân và doanh nghiệp gia tăng thu nhập từ chuỗi giá trị sản xuất.
Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, năm 2022, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 137.415ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 104.690 tấn, vượt kế hoạch gần 7.000 tấn. Kiên Giang đã công nhận vùng nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Kiên Lương, trong đó có Công ty CP Thủy sản NTSF, Công ty CP Chế biến thủy sản Trung Sơn… Đồng thời, tỉnh đang khẩn trương triển khai đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Dương Hòa. Theo đó, sẽ đầu tư thêm hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước riêng, hệ thống thủy lợi thông minh nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm rủi ro dịch bệnh, sản xuất bền vững.