Theo văn bản, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục; hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã được triển khai trong nhiều năm qua, được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, được cụ thể hóa tại các nghị định của Chính phủ.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế tham gia hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được kết quả tích cực; tạo cơ hội học tập cho người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, nắm bắt tình hình tại một số địa phương có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học, nguy cơ rủi ro cao.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT khi tham mưu, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ về thành lập, cho phép hoạt động của các cơ sở giáo dục; các chương trình giáo dục tích hợp; liên kết GD-ĐT với nước ngoài tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình, pháp nhân và các yếu tố liên quan khác theo quy định. Yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai chương trình giáo dục tích hợp, liên kết GD-ĐT với nước ngoài thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GD-ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục tích hợp; liên kết GD-ĐT với nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trường hợp thực hiện không đúng quy định, phải xử lý kịp thời. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có).
Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học viên; lưu ý cha mẹ học sinh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng về những lợi ích khi tham gia góp vốn đầu tư, cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các cơ chế, hình thức đó.
Động thái này của Bộ GD-ĐT đưa ra sau khi xảy ra sự việc tại Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, TPHCM). Trước đó, ngày 18-3, toàn bộ học sinh phải nghỉ học do hầu hết giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương. Ngày 20-3, số giáo viên nghỉ việc lên đến 85 người. Nhiều phụ huynh nói đã đóng học phí theo gói hàng tỷ đồng, trong khi chuyển trường khi học kỳ II sắp kết thúc không dễ.
Sáng 28-3, Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM đã có buổi làm việc với đại diện phụ huynh Trường THPT Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, TPHCM) để ghi nhận các ý kiến đề xuất của phụ huynh liên quan đến việc ổn định việc học cho hơn 1.200 học sinh đang theo học tại trường đến hết năm học 2023-2024. 115 phụ huynh đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị tập thể đến Trường THPT Quốc tế Mỹ, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất phương án học online từ nay đến hết năm học 2023-2024 nhằm giúp học sinh hoàn thành chương trình năm học.