
Chất lượng các loại sữa bột ngoại nhập khẩu thì gần như thả nổi vì có “chuẩn” nhưng không “kiểm”. Một số DN sản xuất, chế biến sữa trong nước chưa mấy tên tuổi thì nhập nhằng về nguồn gốc nguyên liệu. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội “ngàn vàng” cho các thương hiệu sữa trong nước chinh phục người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là các DN này có tận dụng được nó?
Đi trước một bước
Tính đến thời điểm này, sự cố nguyên liệu sữa của một số DN Trung Quốc bị dính chất melamine đã được gần 20 ngày. Khi các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục tấn sữa Trung Quốc tuồn vào VN thông qua nhà phân phối là Công ty Hanoimilk và công ty này khai đã cung cấp cho các DN sản xuất, chế biến các mặt hàng bánh kẹo thì hàng loạt siêu thị, nhà phân phối đồng loạt phản ứng. Ngay lập tức, họ đã gỡ khỏi các quầy kệ những sản phẩm có nghi vấn, đồng thời, yêu cầu các DN sản xuất và các nhà nhập khẩu phải chứng minh “sự trong sạch” của sản phẩm.

Đắn đo chọn mua sữa ở đường Nguyễn Thông TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Trước tình hình này, ngay từ ngày 22-9, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lập tức gửi 20 mẫu nguyên liệu sữa bột và sữa thành phẩm đến các đơn vị chức năng để kiểm tra chất lượng.
Ngay khi có kết quả, Vinamilk đã gửi đến các cơ quan truyền thông, khẳng định tất cả nguyên vật liệu của Vinamilk đều nhập khẩu trực tiếp từ các nước châu Âu, Mỹ và New Zealand, đảm bảo an toàn 100% theo các tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt của các nước này.
Kèm theo đó, công ty này cũng gửi kết quả kiểm định các loại sữa là không có melamine trong bất kỳ nguyên vật liệu và thành phẩm của Vinamilk. Chậm chân hơn Vinamilk một chút vì bị hiểu nhầm có sử dụng nguyên liệu sữa bột từ Trung Quốc, Nutifood đã kịp làm rõ vấn đề này, bằng việc công bố cam kết với các phương tiện truyền thông và người tiêu dùng các sản phẩm của Nutifood đều được sử dụng nguyên liệu từ Úc, Đan Mạch và New Zealand. Mặt khác, Nutifood cũng buộc Công ty Hoàng Lâm (nhà cung cấp) phải khẳng định có sự nhầm lẫn trong việc công bố các đối tác, hai bên chưa bao giờ có giao dịch buôn bán lô hàng sữa nguyên liệu từ Trung Quốc. Sau công bố này, các sản phẩm của Nutifood vẫn lưu hành bình thường trên thị trường, doanh số cũng không bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, Nestlé Việt Nam cũng liên tục gửi thông cáo báo chí và cập nhật liên tục những mẫu kiểm nghiệm của tất cả các sản phẩm tại các trung tâm xét nghiệm để người tiêu dùng VN theo dõi. Bà Trần Thanh Vân, Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho rằng, đối với Nestlé thì sự an toàn và chất lượng của sản phẩm là ưu tiên hàng đầu.
Cơ hội cho DN trong nước
Qua vụ việc này đã cho thấy có hay không sự trung thực của các DN trong quá trình sản xuất, chế biến sữa? Và sự thật cũng đã bắt đầu được phơi bày, sẽ không có đất cho những DN làm ăn gian dối. Đây cũng chính là cách để sàng lọc lại thị trường sữa.
Trở lại với các DN làm ăn chân chính, họ đều cho rằng các thương hiệu sữa nội và sữa bột ngoại nhập đều được sử dụng từ các nguồn nguyên liệu giống nhau. Nhưng tại sao giá một hộp sữa ngoại lại đắt gấp đôi so với sữa của các DN trong nước. Theo tính toán của một DN, giá thành một hộp sữa loại 400g (gồm nguyên liệu sữa, bao bì, vi chất, thuế và phí gia công) chỉ xấp xỉ khoảng 60.000-75.000 đồng, nhưng giá của sữa hộp ngoại đã đẩy lên tới 140.000-150.000 đồng/hộp. Khoảng chênh lệch này thực chất là người tiêu dùng đang phải trả cho thương hiệu sản phẩm (khoảng 30%-50% giá thành sản phẩm) chứ không phải là chất lượng sữa.

Trong bối cảnh này, cơ hội nào cho DN trong nước? Theo ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, để đảm bảo doanh thu không những không bị sụt giảm mà còn tăng trong cơn “sóng gió” này, Vinamilk đã có sự đầu tư một cách nghiêm túc từ nhiều năm qua về nhiều mặt. Mục đích của Vinamilk là hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Muốn vậy, hàng năm Vinamilk đã đầu tư khoảng 200-250 tỷ đồng cho thiết bị, công nghệ và cho công tác nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới. Đại diện Nutifood lại cho rằng, nếu nói đây là cơ hội cho DN trong nước cũng chưa hẳn đúng. Tuy vậy, đại diện Nutifood cũng khẳng định, qua sự cố này những DN có năng lực sản xuất kém và gian dối chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Từ đây, tất cả các DN trong ngành sữa và các cơ quan chức năng sẽ có dịp nhìn lại mình một cách nghiêm túc hơn.
Bình luận về việc các DN ngành sữa đang đua nhau quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, một chuyên gia cho rằng đây là cơ hội tốt cho những DN làm ăn chân chính khuyếch trương, quảng bá sản phẩm của họ. Bởi lẽ, trong suốt thời gian qua những DN sử dụng nguyên liệu không rõ ràng có dám đi quảng bá sản phẩm, hay họ chỉ lo giải trình đối với cơ quan chức năng, với các siêu thị? Đây chính là thời điểm tốt nhất không chỉ cho các DN mà còn cho cả người tiêu dùng trong việc chọn lựa loại sữa tốt, với mức giá vừa phải cho gia đình mình.
Thúy Hải
Lập 15 đoàn kiểm tra liên ngành về sữa Cùng ngày, 15 đoàn thanh tra liên ngành về sữa do Bộ Y tế chủ trì đã được thành lập tại 3 miền, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa, nguyên liệu sữa và sản phẩm làm từ nguyên liệu sữa trong thời gian tới. Đợt kiểm tra này sẽ mở rộng địa bàn thanh kiểm tra tại nhiều địa phương, không chỉ bó hẹp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Các cơ sở có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định. Q.Lập |