Bằng cách nào các chất cấm có thể đi đến tận bàn ăn của chúng ta? Làm cách nào có thể đảm bảo chất lượng thực phẩm chúng ta mua và ăn mỗi ngày?
Vụ bê bối thuốc trừ sâu trong hàng triệu trứng bán ở Đức và Hà Lan bị phát hiện đầu tháng 8 và lan sang các nước châu Âu rồi Hồng Công (Trung Quốc) ở châu Á một lần nữa nêu lên vấn đề: Có bao nhiêu thực phẩm của chúng ta nhiễm các chất độc hại?
Cơ quan Giám sát an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết rằng gần một nửa số thực phẩm người châu Âu ăn có chứa dư lượng thuốc trừ sâu, dù phần lớn không ở mức gây hại.
Thêm nữa, Hiệp hội Bảo vệ cây trồng châu Âu (ECPA) cảnh báo, thuốc trừ sâu giả và bất hợp pháp đang được sản xuất ngày càng nhiều trên toàn cầu.
Trong một nửa số thực phẩm ở châu Âu có chứa dư lượng thuốc trừ sâu, có dưới 3% vượt mức tối đa cho phép theo luật EU.
Trong khi đó, khoảng 7% số thực phẩm nhập từ các nước ngoài EU có chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép của EU.
Các vụ bê bối như trứng nhiễm Fipronil xảy ra chỉ khi một chất độc hại được xác định, vì vậy khó biết có bao nhiêu thực phẩm nhiễm chất độc hại đã đi vào dạ dày chúng ta.
Theo Văn phòng Bảo vệ người tiêu dùng và An toàn thực phẩm Đức (BVL), không chỉ thuốc trừ sâu, các chất độc hại khác như dioxin hoặc aflatoxin cũng có thể lọt vào thực phẩm bằng nhiều cách: các nhà sản xuất thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh hoặc lạm dụng các chất cấm, các trại chăn nuôi sử dụng không đúng loại thuốc thú y...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, thuốc trừ sâu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tự ngộ độc. Thuốc trừ sâu là chất độc hại sẽ đi vào môi trường, nên yêu cầu sử dụng phải có quy định chặt chẽ.
EU đã cấm các loại thuốc trừ sâu có độc tính cao với người và động vật như các loại neonoticotinoid dùng diệt ong, hoặc các loại thuốc tồn tại lâu dài trong môi trường như DDT.
Mới đây, ngày 4-8, Hải quan Hy Lạp thu giữ hơn 700kg thuốc trừ sâu bất hợp pháp có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Christiane Huxdorff, nhà vận động chiến dịch "Thực phẩm cho Cuộc sống" của Greenpeace, chỉ ra việc thiếu kinh phí cho các cơ quan quản lý giám sát chất lượng thực phẩm sẽ làm các vụ bê bối như trứng nhiễm Fipronil còn tiếp tục xảy ra khi thực phẩm được sản xuất hàng loạt lớn như vậy.
Ngoài các quy định pháp lý, hằng năm, EU còn thực hiện các chương trình giám sát thuốc trừ sâu: các chuyên gia chọn một số lượng thực phẩm nhất định và phân tích, tìm kiếm dấu vết của hơn 770 loại thuốc trừ sâu, trong nhiều trường hợp dẫn đến thắt chặt các biện pháp kiểm soát.
Tuy nhiên, các chuyên gia không thể xác định các chất mà họ không tìm kiếm, vì vậy, chúng ta có thể đã ăn một loại thực phẩm nhiễm độc nào đó một thời gian dài rồi mới biết, khi có bê bối xảy ra. Điều này nêu lên vấn đề đáng sợ là có bao nhiêu thực phẩm nhiễm chất độc hại mà chúng ta không biết đã đi vào dạ dày chúng ta?
Nông nghiệp ngày càng công nghiệp hóa trên quy mô lớn làm người tiêu dùng khó kiểm soát những gì họ ăn và khó biết được thực phẩm của họ đến từ đâu.
Người tiêu dùng cũng phải thường xuyên lưu ý các cảnh báo chính thức, lưu ý các thông tin về thu hồi sản phẩm chứa các chất độc hại.
Thực tế, người tiêu dùng có thể làm điều gì đó thật cụ thể. "Bạn càng mua nhiều thực phẩm không chế biến sẵn, bạn càng biết nhiều về chúng. Vì vậy, hãy mua thực phẩm hữu cơ và tận hưởng thời gian nấu ăn", Huxdorff nói.