Nỗ lực khắc phục khó khăn
Theo TS Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, hiện nay toàn ngành giáo dục đang nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí "yêu thương", "an toàn" và "tôn trọng".
Để đạt được mục tiêu này, không chỉ học sinh mà cả cán bộ quản lý, giáo viên đều cần tạo môi trường làm việc thoải mái. Ở đó, giáo viên và học sinh có đời sống tinh thần tích cực, được giải tỏa áp lực, căng thẳng trong học tập và sinh hoạt.
“Mục tiêu lý tưởng là ở mỗi trường học xây dựng một phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm kịp thời hỗ trợ học sinh khi gặp các vấn đề về tâm lý cũng như khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất trường học còn hạn chế, quận 3 bước đầu triển khai phòng tư vấn tâm lý theo cụm trường”, TS Phạm Đăng Khoa chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Vũ Bá Luận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà (quận 3) nêu ý kiến, trước đây công tác giáo dục ở trường học tập trung quan tâm sức khỏe dinh dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh xã hội nhiều thay đổi, trường học cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của người học, mở rộng đối tượng quan tâm cả cha mẹ học sinh vì đây là nhóm đối tượng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý, tính cách của học sinh.
“Đa phần phụ huynh học sinh ở bậc tiểu học còn rất trẻ, nhiều trường hợp thiếu kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng như ứng xử với con cái, ứng xử giữa cha mẹ với nhau trong cùng gia đình. Chưa kể ở nhiều gia đình, do bị cuốn vòng quay cơm áo gạo tiền nên cha mẹ gửi con cho ông bà chăm sóc khiến học sinh cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Các em cần một nơi chia sẻ tâm tư tình cảm, trong khi đội ngũ các thầy cô giáo ở trường lại chưa đủ chuyên môn sâu”, thầy Vũ Bá Luận nêu thực tế.
Ở góc độ khác, theo cô Lâm Hồng Lê Phy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Kiến Thiết (quận 3), hầu hết ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội tư vấn tâm lý cho học sinh dựa trên kinh nghiệm và trạng thái tinh thần của học sinh chứ không có chuyên môn sâu như các chuyên gia tư vấn tâm lý.
“Việc mở rộng hình thức tư vấn tâm lý không chỉ trực tiếp mà cả qua kênh trực tuyến giúp mở rộng không gian, thời gian cho học sinh tiếp cận, tuy nhiên cần lưu ý vấn đề các em lạm dụng việc sử dụng điện thoại ngay trong lớp học, khi có vấn đề về tâm lý muốn lên website tư vấn trực tuyến ngay gây ảnh hưởng công tác tổ chức lớp học của giáo viên”, cô Lê Phy tâm tư.
Mặc khác, theo thầy Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), khi có một trường hợp học sinh trầm cảm, tự tử, mọi nguyên nhân thường đổ dồn hết cho trường học với những “chẩn đoán tức thì” như áp lực học tập, thi cử. Song trên thực tế, trường học chỉ là nơi truyền dạy kỹ năng và kiến thức, trong khi đó nhận thức, tính cách của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn từ môi trường gia đình, nỗ lực một phía của trường học không thể nào thay đổi được.
Qua thực tế triển khai công tác tư vấn tâm lý, thầy Khánh cho rằng ban đầu học sinh sẽ có tâm trạng rụt rè, ngại tìm đến phòng tư vấn tâm lý nhưng chỉ cần thầy cô tạo được sự tin tưởng cho các em sẽ giúp các em cảm thấy yên tâm, sẵn sàng tìm đến khi có trở ngại về tâm lý.
Quan tâm giáo dục nhận thức cho học sinh
TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường Đại học Mở chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế tư vấn tâm lý cho học sinh: “Đối với học sinh, những quan tâm rất nhỏ của thầy cô như xoa đầu, bắt tay giúp các em cảm thầy tin tưởng và gần gũi, sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn”.
Chuyên gia tư vấn này cho biết, điều kiện lý tưởng là trong một trường học cần có 3 vị trí gồm bác sĩ phụ trách về chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và hỗ trợ công tác xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay trường học chỉ có nhân viên y tế, các vị trí như nhân viên tư vấn tâm lý và công tác xã hội chưa có người phụ trách. Do đó, nhân viên y tế trường học cùng lúc phải đảm nhận cả 3 “vai” gồm chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và hỗ trợ công tác xã hội.
Để làm tốt nhiệm vụ nặng nề này, theo TS. Nguyễn Hữu Long, nhân viên tư vấn cần là người được học sinh yêu thích, là giáo viên "được lòng" học sinh mới giúp các em đủ tin tưởng tìm đến khi gặp khó khăn. Ngoài nhân viên tư vấn tâm lý, đội ngũ các thầy cô giáo chủ nhiệm là những “chân rết” cần thiết để kịp thời đồng hành, phát hiện những bất thường về tâm sinh lý của học sinh.
Theo nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM Giang Thiên Vũ, tình trạng tự sát ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.
Các số liệu thống kê cho thấy, thực trạng tự sát ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng. Năm 2019, con số này chiếm 7,5% dân số, tuy nhiên trên thực tế, số trường hợp tự sát có thể nhiều hơn so với số lượng được thống kê.
Một khảo sát kết quả sàng lọc trầm cảm đối với 709 học sinh bậc THCS trên địa bàn TPHCM cho thấy, có đến 226 học sinh có biểu hiện trầm cảm mức độ từ nhẹ đến rất nặng, 350 học sinh có biểu hiện lo âu.
Để giảm thiểu tình trạng đó, chuyên gia Giang Thiên Vũ cho rằng, trường học cần phát triển kỹ năng tư duy tích cực cho học sinh để phòng ngừa trầm cầm và tự tử, kết hợp với việc giáo dục các giá trị sống hướng đến thay đổi về nhận thức cho học sinh.
Dịp này, phòng GD-ĐT quận 3 phối hợp với Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh thông qua hai hình thức gồm tư vấn trực tiếp và trực tuyến. Đối với hình thức tư vấn trực tiếp, quận 3 triển khai phòng tư vấn tâm lý theo cụm trường (đặt tại 3 trường THCS gồm THCS Bạch Đằng, THCS Hai Bà Trưng và THCS Colette). Riêng đối với tư vấn trực tuyến, mỗi học sinh tiểu học và THCS sẽ được cung cấp một tài khoản đăng nhập để được trao đổi với các chuyên gia tư vấn tâm lý qua website quan3.tamlyhocduong.org. |