Đáp ứng nhu cầu
Có mặt tại Phòng tư vấn tâm lý học đường ở Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3) đầu tuần qua, ghi nhận cho thấy có rất đông học sinh đến vào giờ chơi. Sau khi 5 học sinh vào phòng, một tấm bảng nhỏ được treo ở ngoài cửa với dòng chữ “Phòng đang có học sinh tư vấn. Vui lòng chờ đến lượt”. Bên trong phòng, 3 chuyên viên tư vấn ngồi ở 3 bàn sẵn sàng trò chuyện với học sinh. Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Trâm, nghiên cứu sinh ngành tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết, phần lớn học sinh đến phòng tư vấn để chia sẻ khó khăn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè; một số ít trường hợp băn khoăn về giới tính, áp lực học hành. “Trung bình mỗi ca tư vấn kéo dài 30-40 phút. Các vấn đề về thay đổi tâm sinh lý được giải quyết trong phạm vi trường học, riêng những trường hợp có dấu hiệu bất thường về thể chất hoặc tinh thần sẽ được giới thiệu thăm khám ở bệnh viện”, cô Ngọc Trâm chia sẻ. Chuyên gia này cho biết, tư vấn tâm lý trong môi trường học đường có hạn chế là giáo viên khó gặp được phụ huynh, thông tin tiếp nhận một chiều từ học sinh. Do đó, hoạt động tư vấn có thể kéo dài 2-3 buổi, đòi hỏi sự phối hợp giữa chuyên viên tư vấn và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ban giám hiệu.
Chuyên viên tư vấn tâm lý tại Trường THCS Hai Bà Trưng trao đổi với học sinh |
Ở góc độ khác, theo cô Đỗ Thành Bảo Trâm, chuyên viên phụ trách Phòng tư vấn tâm lý, Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), thời gian đầu, học sinh còn mang tâm lý ngại ngùng khi đến phòng tư vấn. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá hoạt động của phòng tư vấn, học sinh đã mạnh dạn hơn. Đặc biệt, nhờ triển khai theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nên học sinh có thể gửi trước câu hỏi, đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn. “Nhiều em ban đầu xuống phòng tư vấn vì tò mò, muốn tìm hiểu hoạt động của phòng, nhờ thầy cô chia sẻ các vấn đề về hướng nghiệp. Sau khi có sự tin tưởng, các em mở lòng tâm sự về các vấn đề đang gặp phải như mâu thuẫn với bạn bè, bố mẹ, áp lực học hành… Trung bình mỗi ngày có từ 10-15 lượt học sinh đến phòng tư vấn, nhiều em sau khi được hỗ trợ vẫn tiếp tục tìm đến để chia sẻ các vấn đề khác”, cô Bảo Trâm thông tin.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết, trên cả hai kênh (ứng dụng điện thoại di động và trang web tư vấn) đều cập nhật thường xuyên các bài viết, video clip hướng dẫn học sinh chăm sóc sức khỏe tinh thần khi gặp áp lực học hành, rối loạn cảm xúc, giới tính, sức khỏe sinh sản, bị bạo lực học đường… Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận 3, trong tháng 2-2023, trang web đã tư vấn trực tuyến cho 44 trường hợp. Ngoài ra, có 247 lượt học sinh tham gia trắc nghiệm về lo âu - trầm cảm - stress; 153 lượt tham gia trắc nghiệm về phương pháp học tập. Đây là hai nhóm vấn đề chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp học sinh có nhu cầu tư vấn.
Cần hỗ trợ dài hơi
Trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, cho hay, trước đây trường không có phòng tư vấn tâm lý. Khi triển khai mô hình tư vấn theo cụm trường, đơn vị tận dụng phòng họp tổ bộ môn làm phòng tư vấn tâm lý cho học sinh. Tương tự, tại Trường THCS Bạch Đằng, Phó hiệu trưởng Đoàn Ái Nữ bày tỏ, khi có nhu cầu hỗ trợ về tâm lý, học sinh có thể xin phép giáo viên bộ môn xuống phòng tư vấn trong giờ học, giờ sinh hoạt chủ nhiệm hoặc giờ nghỉ trưa. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh có nhu cầu chia sẻ, đồng hành về tâm lý rất lớn. “Hiện nay, phòng tư vấn chỉ mở cửa 2 ngày/tuần, chưa thể đáp ứng được tất cả nhu cầu tư vấn tại chỗ của học sinh, chưa kể một bộ phận phụ huynh có con học hòa nhập, học sinh cá biệt cũng có nhu cầu được tư vấn…”, cô Ái Nữ chia sẻ.
Theo đại diện các trường học, do trong giai đoạn thí điểm nên tất cả hoạt động tư vấn đều triển khai miễn phí cho phụ huynh, học sinh, kể cả việc tư vấn cho học sinh ở các quận, huyện khác. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan quản lý cần có thêm hướng dẫn về kinh phí để ổn định đội ngũ tư vấn viên, giúp hoạt động đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, việc mô hình thí điểm theo cụm trường (học sinh các trường lân cận trên địa bàn có thể đến 5 trường có tổ chức phòng tư vấn để được tư vấn miễn phí - PV) đang bộc lộ nhiều khó khăn do học sinh tốn thời gian đi lại, tâm lý ngại ngùng khi đến trường lạ nên chưa phát huy hiệu quả. Từ thực tế đó, Phòng GD-ĐT quận 3 khuyến khích mỗi trường xây dựng một phòng tư vấn tâm lý để kịp thời đáp ứng nhu cầu tại chỗ của học sinh.
Từ tháng 12-2022, quận 3 triển khai mô hình tư vấn tâm lý theo cụm trường tại 5 phòng tư vấn tâm lý đặt ở các trường THCS Hai Bà Trưng; THCS Bạch Đằng; THCS Colette; Trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý Ý Tưởng Việt; Tiểu học - THCS Tây Úc. Ngoài ra, mỗi học sinh được cung cấp một tài khoản cá nhân để đăng nhập ứng dụng trên điện thoại di động hoặc trang web tư vấn để được trực tiếp trao đổi với các chuyên gia.