Học sinh ngại đến phòng tư vấn
Theo Th.S Đinh Quỳnh Châu, chuyên viên Phòng tham vấn học đường, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), nhiều học sinh ở bậc THPT và THCS hiện nay gặp khó khăn về tâm lý nhưng không biết cách xử lý, cảm thấy bế tắc, cô đơn. “Trước đây, học sinh tìm nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề của mình, không xử lý được thì tìm cách quên đi.
Nhưng sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với sự phát triển nhanh của mạng xã hội và internet, học sinh đã thay đổi cách xử lý, đó là phụ thuộc vào việc tìm kiếm thông tin trên internet mà không tìm trợ giúp từ bên ngoài”, Th.S Đinh Quỳnh Châu thông tin. Đáng nói, chỉ số ít trường hợp tìm được thông tin hữu ích, các trường hợp còn lại đều khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn do học sinh tự chẩn đoán mình bị trầm cảm, dù thực tế chưa có biểu hiện trầm cảm. Bên cạnh đó, với suy nghĩ sai lầm là người khác không thể hiểu mình, các em ngại đến phòng tư vấn hay chia sẻ với bố mẹ, thầy cô, khiến vấn đề kéo dài mà không được giải quyết.
Ở góc độ khác, theo TS Giang Thiên Vũ, chuyên viên Phòng tham vấn học đường, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM), các vấn đề về tâm lý học sinh hiện nay đang gặp phải có rất nhiều dạng như: trầm cảm, áp lực học hành, cảm thấy mất động lực, hoang mang về định hướng nghề nghiệp… Với số lượng học sinh ở mỗi trường khá lớn, nếu tư vấn theo hình thức trực tiếp thì chuyên viên tâm lý không thể tiếp xúc hết tất cả học sinh. Nhiều học sinh nhận thức chưa đúng khi cho rằng lúc nào khó khăn về tâm lý mới đến phòng tư vấn, trong khi trên thực tế, phòng này còn có chức năng định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ phương pháp học tập cho học sinh.
Riêng đối với Th.S Đinh Thảo Quyên, chuyên viên Phòng tham vấn học đường, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM), nhiều học sinh đang đối mặt với áp lực học tập do chịu sức ép từ gia đình, thầy cô, các mối quan hệ xã hội, hay thậm chí là chính bản thân các em, dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, sức khỏe. Cùng với đó, sức khỏe tinh thần cũng suy giảm với nhiều biểu hiện như: bi quan, tâm lý bất ổn, chán nản, mệt mỏi, không tìm thấy niềm vui trong học tập.
Đa dạng các hoạt động
Nhằm giúp học sinh có thêm “kênh” chia sẻ thông tin, từ giữa tháng 3-2023, Trường THPT Lương Thế Vinh phát động chương trình “30 ngày rút lá duyên để trở thành học sinh hạnh phúc”. Theo đó, trước cửa phòng tham vấn học đường, một hộp kính được trang trí bắt mắt, chứa nhiều lá thăm bên trong. Mỗi ngày, học sinh được khuyến khích rút một lá thăm có nội dung là các câu nói truyền động lực, bài tập rèn kỹ năng để có trạng thái tinh thần và thể chất tốt nhất.
TS Giang Thiên Vũ, người đưa ra ý tưởng này, cho biết, các lá thăm mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Học sinh được yêu cầu thực hiện các hành động mà ngày thường các em ít làm như: “Nói lời cảm ơn giáo viên chủ nhiệm”, “Ôm hôn ba mẹ và nói bạn yêu họ rất nhiều”… Sau hơn 3 tuần triển khai, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng tham gia bốc thăm. Nhiều trường hợp sau khi bốc thăm, học sinh đã chủ động tìm đến phòng tham vấn học đường để được chia sẻ nhiều hơn về cảm xúc, xóa bỏ ranh giới của sự ngại ngùng.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Th.S Đinh Quỳnh Châu đưa ra thông điệp về sự “Nhìn thấy”. Chuyên gia này cho biết, mỗi người đều có nhu cầu được “nhìn thấy” dù bản thân không có gì đặc biệt. Để đồng hành cùng học sinh, trước hết thầy, cô phải chấp nhận con người thật của các em, dù đôi khi điều đó không phù hợp chuẩn về giới tính, đạo đức. Học sinh cảm thấy được tin tưởng, chia sẻ, từ đó mới tìm sự trợ giúp. Song song đó, công tác tư vấn cần kết hợp nhiều hình thức như sinh hoạt chuyên đề ở sân trường, trao đổi trong phạm vi một lớp học hoặc tham vấn cá nhân.
Khảo sát 709 học sinh bậc THCS và 400 học sinh bậc THPT trên địa bàn TPHCM về sức khỏe tinh thần do TS Giang Thiên Vũ và các cộng sự thực hiện vào tháng 12-2022 cho thấy, ở bậc THCS có 31,8% học sinh có biểu hiện trầm cảm mức độ từ nhẹ đến nặng; 49,3% học sinh có biểu hiện lo âu. Tương tự, ở bậc THPT, có 55% học sinh cảm thấy cô đơn, 69% học sinh có biểu hiện thất vọng, buồn rầu hoặc trầm cảm…