Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Hỏi: Công ty TNHH của chúng tôi có ký hợp đồng bán 100 tấn phân đạm cho một công ty cổ phần. Hợp đồng có quy định, bên nào vi phạm sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng. Hợp đồng cũng quy định, ngày 10-7 giao hàng tại kho của công ty đối tác. Đúng ngày hẹn, công ty chúng tôi chở hàng giao tận nơi theo yêu cầu. Đến nơi thì trời mưa to, công ty đối tác từ chối chưa nhận hàng vì kho hàng của công ty đang ngập nước, hẹn chúng tôi 4 ngày sau quay trở lại giao hàng. Chúng tôi không đồng ý nhưng cuối cùng cũng đành phải thuê địa điểm gửi hàng tại kho của một công ty khác. Phí thuê kho và các chi phí khác lên tới 25 triệu đồng.

Hai ngày sau chúng tôi quay lại giao hàng mặc dù trời vẫn mưa rất to. Công ty đối tác từ chối nhận hàng vì phát hiện ra gần 1/3 số lượng hàng đã có hiện tượng vón cục. Chúng tôi lại phải tiếp tục thuê kho gửi hàng. Tổng thiệt hại lên tới 55 triệu đồng. Hai bên đã tìm giải pháp thương lượng để giải quyết tranh chấp nhưng không đạt kết quả.

Hỏi, điều khoản phạt vi phạm như vậy có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Trường hợp hai bên không thể thương lượng, chúng tôi có thể kiện công ty đối tác yêu cầu họ nhận hàng và bồi thường số tiền mà chúng tôi đã thuê kho chứa hàng hay không? (Nguyễn Bình An, Bình Chánh, TPHCM)

Chúng tôi trả lời như sau:

1. Về điều khoản phạt vi phạm: Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của luật này”. Theo đó, trong hợp đồng các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm là 8% trên giá trị hợp đồng là không phù hợp với quy định pháp luật mà phải là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

2. Về việc khởi kiện công ty đối tác: Yêu cầu nhận hàng: Công ty của bạn đã giao hàng đúng thời hạn, việc không nhận hàng là lỗi của công ty đối tác. Do đó, công ty của bạn có căn cứ khởi kiện yêu cầu công ty đối tác nhận hàng. Yêu cầu bồi thường thiệt hại: theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm” và căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại là “hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”. Theo đó, trong trường hợp này, nguyên nhân trực tiếp gây ra phân bị vón cục là do bảo quản không tốt dẫn đến thiệt hại. Vì vậy, công ty bạn không có căn cứ yêu cầu đối với phần thiệt hại này. Công ty bạn có thể chứng minh thiệt hại bằng giấy tờ các chứng từ cụ thể về số tiền 25 triệu đồng từ việc thuê tạm kho để chứa số hàng do bên công ty đối tác từ chối nhận hàng (lần giao hàng 1) vì đây là thiệt hại do việc nhận hàng trễ gây ra.

LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ (GĐ Công ty luật An Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục