Với hàng loạt điều chỉnh trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, kể từ số báo hôm nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng mở mục “Tư vấn – Hướng nghiệp tuyển sinh ĐH-CĐ 2012” nhằm giải đáp những thắc mắc về lựa chọn ngành nghề, chọn trường cũng như những thông tin tuyển sinh mới nhất của các trường.
Tham gia tư vấn, giải đáp những thắc mắc của thí sinh là chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, chuyên gia của trường ĐH-CĐ trên cả nước. Đặc biệt, ban tư vấn sẽ giúp thí sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích bản thân cho thí sinh trước khi quyết định chọn trường thi.
Câu hỏi của thí sinh và quý phụ huynh xin gửi đến địa chỉ sggponline@sggp.org.vn hoặc toasoan@sggp.org.vn
Tuần qua Ban Tư vấn nhận được nhiều thắc mắc của thí sinh về những ngành học mới được tuyển sinh trong năm 2012. Ban Tư vấn sẽ ưu tiên giải đáp những ngành, chuyên ngành thật sự mới lạ trước nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn.
- Em thấy năm nay Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có tuyển sinh một ngành với tên gọi khá lạ: ngành Kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro. Xin Ban Tư vấn giải đáp giúp em thông tin về ngành học cũng như triển vọng nghề nghiệp khi học ngành này (học sinh Trường THPT An Lạc, TPHCM).
>> Đây là ngành học mới và lạ mà năm nay Trường ĐH Quốc tế tuyển sinh khóa đầu tiên với 30 chỉ tiêu cho thí sinh thi khối A, A1. Theo học tốt ngành này, sinh viên cần những tố chất như: đam mê nghề nghiệp, tiếng Anh tốt (4 kỹ năng), kiến thức tốt về toán và tinh thần cầu tiến.
Chương trình đào tạo chủ yếu giúp sinh viên có thể tham gia làm các chuyên viên phân tích kinh tế, tài chính cho các công ty đầu tư tài chính, chứng khoán, ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh đa quốc gia. Các công việc cụ thể bao gồm: các hoạt động về quản trị danh mục đầu tư, phân tích tài chính, phân tích thị trường tài chính… trong các doanh nghiệp và tổ chức có nhu cầu. Sinh viên ra trường cũng có khả năng tạo dựng và hỗ trợ doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp các dịch vụ - sản phẩm mà xã hội, thị trường yêu cầu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành cán bộ quản lý hoặc chuyên viên kỹ thuật làm việc cho các cơ quan nhà nước hoặc địa phương, dự án hoặc tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro, hoặc các doanh nghiệp trong ngành tài chính, ngân hàng…
Sinh viên có thể làm cho các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Quỹ Tài chính quốc tế (IFC), các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhà nước.
Tốt nghiệp ra trường sinh viên cũng có thể trở thành cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu có liên quan. Sinh viên cũng có thể chuyển tiếp lên các bậc học sau đại học trong và ngoài nước.
Ban tư vấn