Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Trong đó, cả nước phấn đấu đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT trên cả nước phấn đấu có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Để thực hiện các mục tiêu đó, các trường cần quan tâm việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.
Cụ thể, đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, đa dạng hóa và vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp lứa tuổi học sinh, cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm…
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, ngành giáo dục TP hướng đến mục tiêu mỗi học sinh đều được trang bị những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội.
Cũng tại hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình giáo dục phổ thông được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 9 là giáo dục cơ bản và từ lớp 10 đến lớp 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Như vậy, 3 năm ở bậc THPT, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp thông qua các môn học được lựa chọn phù hợp năng lực, sở thích và nghề nghiệp sau này. Do đó, các thầy, cô giáo có nhiệm vụ truyền đạt kỹ năng, phương pháp, công cụ cho học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Ông Dương Trí Dũng cho biết, ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, mỗi trường phổ thông có từ 1-2 giáo viên thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, tiếp xúc từng cá nhân học sinh để có hướng dẫn, hỗ trợ học sinh lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp định hướng nghề nghiệp sau này.
Tại Việt Nam, đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp hiện nay đa phần là kiêm nhiệm. Tới đây, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ đẩy mạnh hoạt động này nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM giao nhiệm vụ, mỗi nhà trường cần có kế hoạch cụ thể, nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, xây dựng trong chương trình giáo dục buổi 2 để tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Dịp này, lãnh đạo các trường THPT và đơn vị trực thuộc được tiếp cận phần mềm tư vấn hướng nghiệp YOOT. Đây là phần mềm truy cập hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh và giáo viên nhằm có thêm kênh thông tin tham khảo định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại, học sinh có thể thực hiện bài trắc nghiệm tính cách làm cơ sở lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Sau khi xác định lựa chọn nghề nghiệp, các em được cung cấp thông tin của hơn 400 ngành đào tạo của các trường cao đẳng và đại học, trực tiếp gửi câu hỏi đến bộ phận tuyển sinh của các trường thông qua phần mềm liên kết.
Đặc biệt, phần mềm có hơn 100 video clip giới thiệu về các ngành nghề phổ biến trong xã hội thông qua hình thức mô tả “người thật, việc thật” giúp học sinh và giáo viên có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về các ngành nghề lao động trong xã hội.