Đây là một tác phẩm mang tính tổng hợp của tất cả các lĩnh vực (triết học, kinh tế chính trị học, xây dựng Đảng…). Đây cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, với số lượng bản in lớn nhất.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TPHCM), dù 170 năm đã trôi qua nhưng giá trị, sức sống tư tưởng của TNĐCS còn nguyên vẹn, sẽ tiếp tục soi đường, nhất là trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.
TS Nguyễn Việt Hùng
Không biến tác phẩm, học thuyết thành giáo điều
* PHÓNG VIÊN: Vì sao nói TNĐCS ra đời là một tất yếu khách quan, thưa ông?
- TS NGUYỄN VIỆT HÙNG: Phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản phát triển mạnh mẽ và hướng tới thành lập tổ chức quốc tế: Tổ chức công nhân quốc tế mang tên Liên đoàn những người chính nghĩa ra đời năm 1836 tại Luân Đôn. Mùa hè năm 1847, tại đại hội lần thứ nhất, Liên đoàn những người chính nghĩa đã đổi tên thành Liên đoàn những người cộng sản. Tháng 12-1847, liên đoàn họp đại hội lần thứ hai, C. Mác và Ph.Ăngghen được ủy thác soạn thảo Cương lĩnh dưới hình thức một bản tuyên ngôn. TNĐCS được hoàn thành trong thời gian rất ngắn và công bố vào ngày 24-2-1848. TNĐCS lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn, ít lâu sau, được xuất bản bằng các thứ tiếng khác nhau ở nhiều nước trên thế giới.
Sự ra đời của TNĐCS đánh dấu một bước chuyển lịch sử của phong trào công nhân quốc tế: phong trào đã phát triển từ tự phát tới tự giác, được dẫn dắt bởi lý luận khoa học và cách mạng, được tổ chức thành chính đảng, có cương lĩnh chính trị soi đường, dẫn lối. Cho nên nói TNĐCS ra đời là một tất yếu khách quan. Sau này, Bác Hồ đã vận dụng luận điểm này để vận động và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của chúng ta.
* 170 năm đã qua, thế giới có nhiều biến đổi, vẫn có không ít người hoài nghi giá trị, sức sống tư tưởng của TNĐCS và cho rằng tuyên ngôn đã lỗi thời, lạc hậu?
- Thực tế lại chứng minh rõ, 170 năm qua, những điều C.Mác và Ph.Ăngghen dự báo trong tác phẩm này đã và đang từng bước trở thành hiện thực: Đó là sự xuất hiện của các đảng cộng sản trên thế giới. Đó là sự xuất hiện các cuộc cách mạng vô sản gắn liền với sự hình thành chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện thực trên thế giới. Đó là bước tiến lớn của văn minh nhân loại khi hướng tới những giá trị về tự do, về nhân đạo, về nhân văn, về giải phóng con người, giải phóng giai cấp, hướng đến một xã hội văn minh tiến bộ, mọi người yêu thương lẫn nhau, con người được giải phóng trong một xã hội công bằng - đây cũng chính là những khát vọng chung của nhân loại. Thực tiễn luôn biến đổi, việc phát triển tư tưởng trong TNĐCS nói riêng, trong Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội cũng như tồn tại của chính nó trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là đòi hỏi khách quan. Nhưng dù thế giới ngày nay phát triển đến đâu thì những giá trị chỉ đường của TNĐCS là không bao giờ phai mờ.
TNĐCS được C. Mác và Ph.Ăngghen công bố khi các ông ở độ tuổi thanh xuân nhưng đã sớm có tầm nhìn tri thức khoa học, tinh thần trách nhiệm rất cao của người làm khoa học. Khi C.Mác còn sống, C.Mác và Ph.Ăngghen có 6 lần tái bản tác phẩm này và trong lời tựa của những lần tái bản, các ông đều bổ sung các tri thức mới, cập nhật tình hình mới của thời cuộc. Điều đó cho thấy các ông không bao giờ biến những tác phẩm của mình trở nên giáo điều, lạc hậu, mà đòi hỏi nó phải luôn luôn khoa học, là học thuyết mở, phản ánh hiện thực khách quan, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn chân lý. Ngay sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen tiếp tục tái bản lần thứ 7 tác phẩm này và ông lại bổ sung những giá trị mới. Đây chính là giá trị khoa học mở đường, dẫn đường của TNĐCS.
Hôm nay nhân loại đang chuyển động rất nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nó đòi hỏi chúng ta không bao giờ được biến Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh thành những học thuyết giáo điều. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận của những người cộng sản và chính vì vậy phải nắm lấy bản chất và linh hồn sống của nó để chúng ta đánh giá hiện thực hôm nay. Phải liên tục bổ sung những giá trị thực tiễn mới cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng là bài học đắt giá cho Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Đảng bộ TPHCM nói riêng.
TNĐCS là tác phẩm đã mở ra học thuyết về xây dựng đảng của giai cấp công nhân: Đảng Cộng sản. Lần đầu tiên C.Mác và Ph.Ăngghen luận chứng về giai cấp công nhân, về tính độc lập của đảng chính trị giai cấp công nhân. Nhưng sứ mệnh đó chỉ có thể thực hiện được khi giai cấp công nhân tự thành lập được lực lượng chính trị của mình. Đó là Đảng Cộng sản và bản chất giai cấp công nhân chính là vấn đề cơ bản, cốt lõi, bao trùm xuyên suốt trong tư tưởng này của C.Mác và Ph.Ăngghen. Đây là nguyên tắc hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xuyên suốt cho đến tận hôm nay. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó chính là hình thức tự diễn biến, tự chuyển hóa, chính là những biểu hiện xa rời bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản nói chung, của Đảng ta nói riêng. Vì vậy, đấu tranh để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam là bài học sống còn của Đảng ta. Đây cũng là giá trị chỉ đường của TNĐCS, kể cả trong thời điểm hiện nay.
Xây dựng niềm tin cách mạng cho thanh niên
* Thưa ông, có phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội chính trị cũng là cuộc chiến không ngừng nghỉ của những người cộng sản chân chính?
- Đúng vậy! Đảng ta sinh ra ở một nước nông nghiệp, giai cấp công nhân nhỏ bé, phần lớn đảng viên có thành phần xuất thân là nông dân, lại phải trải qua một thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ chính quyền lâu dài trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chúng ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội có một thời kỳ bao cấp kéo dài và khi chuyển sang kinh tế thị trường nhà nước pháp quyền mở cửa hội nhập, nhiều biểu hiện tích cực xuất hiện, nhưng không ít những dấu hiệu “bệnh tật” trong đội ngũ đảng viên cũng xuất hiện. Từ đó dẫn đến có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, gây ra những hệ lụy to lớn cho đất nước, cho uy tín của Đảng ta. Điều quan trọng quyết định là bản lĩnh của những người cộng sản Việt Nam, làm sao tự nhận thức được những mặt suy thoái đó để đấu tranh khắc phục cho bằng được. Đây chính là giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta và cũng quyết định sự tồn vong của chế độ ta.
* Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, hiện nay nhận thức, hiểu biết của thế hệ trẻ về các tác phẩm như TNĐCS còn mờ nhạt, phần lớn nguyên nhân liên quan đến công tác tư tưởng còn yếu kém. Ông suy nghĩ gì về đánh giá này?
- Tình hình tư tưởng và thực trạng công tác tư tưởng của Đảng ta hiện nay bên cạnh mặt tích cực không tránh khỏi mặt tiêu cực. Trong đó, mặt tích cực là cơ bản, đã và đang quyết định chiều hướng phát triển của xã hội, là nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới. Tuy vậy, mặt tiêu cực có lúc, có nơi diễn ra rất nghiêm trọng. Một số mặt tiêu cực về tư tưởng đang có biểu hiện phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất ổn định chính trị, đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều đáng lo ngại nhất là sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Do đó việc đổi mới công tác tổng kết lý luận của Đảng, đổi mới công tác tư tưởng, trong đó có giáo dục lý luận chính trị nói riêng, tập trung vào giới trẻ chính là vấn đề cấp bách hiện nay.
Chúng ta hiện đang thiếu một đội ngũ những người trẻ làm lý luận tâm huyết, được đào tạo bài bản và có năng lực chuyên môn sâu. Chúng ta có thể có những chuyên gia giỏi về kinh tế, tin học, quản lý đô thị…, nhưng nếu không có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tuyên giáo, khoa giáo, văn hóa nghệ thuật thì chắc chắn cũng không phát triển bền vững được, bởi đây chính là sức mạnh, quyền lực mềm, có tầm ảnh hưởng lớn.
Trong quá trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ, chúng ta cần ưu tiên đào tạo những cán bộ trẻ hoạt động trong lĩnh vực tuyên giáo, khoa giáo, tuyên truyền cổ động nói chung. Phải cấp thiết đổi mới nhận thức về công tác này để làm sao cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm có giá trị vững bền, trong đó có TNĐCS, để từ đó củng cố, bổ sung, xây dựng niềm tin cách mạng cho các bạn trẻ; đồng thời bồi dưỡng, giáo dục thanh niên có lý tưởng cách mạng, có niềm tin và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta.
Đưa lý luận trở lại với dân gian
* Để xây dựng niềm tin cách mạng trong thanh niên, công tác tư tưởng của Đảng cần làm gì trước tiên và làm như thế nào để có hiệu quả?
- Tôi chỉ rút ra một điều giản dị thế này thôi: đó là trở lại với Tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta đem tất cả mọi lý luận cao sang đó trở về với đời thường, đưa lý luận trở lại với dân gian. Phải chăng vừa qua chúng ta quá kinh viện, quá lý luận suông, mà ít thấy giá trị cao nhất của lý luận chính là chỉ đường và quên mất thực tiễn chính là sự kiểm nghiệm lý luận tốt nhất.
Trong kinh nghiệm giảng dạy của tôi nói riêng và của các giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM nói chung là không bao giờ thoát ly thực tế, thực tiễn cuộc sống của TPHCM. Đem hơi thở của cuộc sống TP vào trong chính các công trình, bài giảng của mình là cách tốt nhất để góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như các quan điểm, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đến với học viên một cách tự nhiên, bình dị.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta thường nói về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần yêu nước của người Việt Nam nhưng nếu chúng ta giải thích lý thuyết suông chắc cũng khó ai nhớ lâu, còn nếu lấy ngay hình ảnh của đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu trên đất bạn và sự đón chào của người dân với đội tuyển khi trở về, sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều. Hàng triệu con tim, hàng vạn người Việt Nam đã kết thành đội ngũ rực sáng cờ đỏ sao vàng trên tay đón chào các tuyển thủ khi trở về. Biển người đó là sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong thời đại mới. Mạnh hơn sức mạnh của bóng đá là tinh thần đoàn kết của nhân dân và toàn dân tộc. Bóng đá chỉ là chất xúc tác làm thăng hoa sức mạnh của lòng yêu nước đã tiềm tàng trong mỗi con người, trong cả dân tộc và chỉ chờ đợi có thời cơ, thời điểm để bùng nổ.
Mạnh hơn sức mạnh của bóng đá là tinh thần đoàn kết của nhân dân và toàn dân tộc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Những gì mà đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam đã làm bằng sự hồn nhiên, thánh thiện, không một tỳ vết của sự so đo tính toán… phải chăng là sự nhắc nhở, đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên của Đảng ta suy nghĩ gì về thế nước, lòng dân khi một bộ phận không nhỏ “chạy chức”, “chạy quyền”, so đo, tính toán thiệt hơn khi vào Đảng, khi nhận nhiệm vụ Đảng giao. Thậm chí, còn có những người tự biến mình thành giặc nội xâm để tàn phá sinh lực của đất nước, dân tộc. Chính nhân dân một lần nữa lại dạy cho người cán bộ, đảng viên chúng ta về lòng yêu nước, về hành động xả thân vì nước mà không hề so đo tính toán.
Chỉ khi nào Đảng phát động được toàn dân tham gia cùng với Đảng, để dân giúp Đảng xây dựng, củng cố lực lượng thì lúc đó ý Đảng, lòng dân mới đồng thuận. Một khi sức mạnh này đã hình thành thì sẽ trở thành vô địch mà không có một lực lượng nào có thể phá hoại được. Khi Đảng muốn có sáng kiến, hãy tìm đến và học hỏi người thầy vĩ đại nhất là “dân chúng” - như lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có ngay câu trả lời!