Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò các thành phần kinh tế mang lại những thành tựu to lớn ​

Cũng tại hội thảo, tại điểm cầu TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đã trình bày tham luận với chủ đề: “Quan điểm Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển đất nước - nội dung và ý nghĩa”.

Tham luận nhấn mạnh đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Công tư đều lợi - Chủ thợ đều lợi - Công nông giúp nhau - Lưu thông trong ngoài”. Tư tưởng đó đã được đưa vào cuộc sống và mang lại những thành tựu to lớn. Công cuộc khôi phục kinh tế giai đoạn 1955-1957 nhanh chóng hoàn thành, công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế giai đoạn 1958-1960 giành những thắng lợi to lớn.

Quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tầm nhìn thời đại, chỉ ra được mấu chốt con đường phát triển cho nền kinh tế nước nhà qua nhiều thời kỳ; kết hợp và phát huy các thành phần kinh tế là lý luận chủ đạo xuyên suốt các kỳ đại hội, đặc biệt là từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng đến nay. Việc vận dụng và phát huy các thành phần kinh tế đối với sự phát triển của đất nước là sự lựa chọn mang tính khoa học khách quan.

Từ nhu cầu của thực tế và kinh nghiệm của các nước trong quá trình đổi mới, Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo thừa nhận kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận kinh tế thị trường và khẳng định nó không đối lập với chủ nghĩa xã hội, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự phát triển của các thành phần kinh tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, phát huy mọi nguồn lực đầu tư xã hội, giải quyết việc làm cho nhân dân, từng bước đưa đất nước phát triển bền vững.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò các thành phần kinh tế mang lại những thành tựu to lớn ​ ảnh 1 Phó Bí Thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trình bày tham luận tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Đề cập đến quá trình vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế để đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế của đất nước, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh: “Qua thực tiễn quá trình phát triển các thành phần kinh tế ở TPHCM, có thể nhận thấy sự kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành tựu của TPHCM hiện nay đến từ sự nhất quán trong quan điểm nhận thức, từ phát triển nền kinh tế nhiều thành phần cho đến quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình đó trải qua các giai đoạn từ năm 1976-1990, 1991-2000, 2001-2015 và từ 2016 đến nay. Tổng kết lại, theo quan điểm Hồ Chí Minh, mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong những năm qua tại TPHCM đã diễn ra phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với sự vận động khách quan của kinh tế thị trường và đang nâng dần vị trí và vai trò của thành phố trong quá trình hội nhập của kinh tế khu vực và thế giới. TPHCM đã tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng phát triển của các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, thành phố đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và đã cụ thể hóa thành 21 nội dung, đề án cụ thể”.
Phần cuối bản tham luận đồng chí Võ Thị Dung một lần nữa nhấn mạnh đến quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò kinh tế nhiều thành phần là một tư tưởng phát triển, biện chứng và thời đại, hiện vẫn mang tính thời sự và là phương pháp luận quan trọng cần phải được tiếp thu, quán triệt và vận dụng sáng tạo để định hướng cho sự nghiệp tiếp tục đổi mới nền kinh tế đất nước. TPHCM tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thành phố. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng thế giới, đặc biệt là các xu hướng của thị trường thế giới nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp.

“Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến bao nỗi đắng cay, khổ cực của nhân dân và nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp lần lượt thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc như “không có đường ra”, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nung nấu quyết tâm tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Người quyết định sang nước Pháp, hướng về các nước phương Tây, để tìm hiểu cho rõ những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”; và “...sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Ngay tại phương Tây, Người đã sớm nhận ra rằng: các cuộc cách mạng tư sản dù vĩ đại như cách mạng Mỹ hay cách mạng Pháp vẫn không giải phóng được những người lao khổ, nghĩa là cách mạng không triệt để, không đến nơi. Hòa mình vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế Cộng sản; Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và sáng lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa nhằm cổ vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú ấy, khi được nghiên cứu bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường duy nhất đúng để cứu nước và giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, bổ sung, phát triển, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người trở thành tấm gương sáng ngời về sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, về những đóng góp to lớn cho tình đoàn kết giữa nhân dân các nước, giữa giai cấp vô sản ở chính quốc và các dân tộc thuộc địa, giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em và giữa các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc ta lên tầm cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh vô tận của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Người đã chỉ ra thời cơ lớn cho dân tộc Việt Nam với ý chí mãnh liệt: “Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, động viên toàn dân ta vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi đó không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, mở ra một thời đại mới cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước thuộc địa; minh chứng cho lời khẳng định đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập!”.

Đồng chí NGUYỄN XUÂN THẮNG 

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin cùng chuyên mục