Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy mô hình chủ nghĩa tư bản đang bị thách thức nghiêm trọng. Quan niệm nền kinh tế thị trường tự do không có sự can thiệp của chính phủ tỏ ra lỗi thời.
Mỹ cũng như hàng loạt nước châu Âu đang dồn tiền của từ ngân sách để cứu các tập đoàn của họ. Đó chẳng phải là can thiệp của nhà nước sao? Những hệ lụy từ chính sách thị trường tự do thả nổi đến lúc thể hiện nhiều mặt trái của nó: khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, của cải xã hội tập trung vào tay một số ít người chi phối cả nền kinh tế của một nước.
Chính vì vậy, trên toàn châu Âu đã và đang nổi lên nhiều đảng theo đường lối chống lại chủ nghĩa tư bản. Tại Đức, người ta đang chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của Die Linke “Cánh tả”, một nhóm chính trị được thành lập cách đây 18 tháng- do những người giàu kinh nghiệm về chủ nghĩa xã hội lãnh đạo.
Đảng này, đã giành được ghế đại diện tại các bang Lower Saxony, Hamburg và Hesse. Die Linke chủ trương quốc hữu hóa lại các công ty điện và khí đốt, cấm các quỹ đầu tư mang tính chất đầu cơ.
Theo cuộc thăm dò ý kiến đưa ra mới đây cho thấy 45% người ở phía Tây nước Đức và 57% người ở phía Đông xem chủ nghĩa xã hội là một “ý tưởng tốt”. Hồi tháng 10, một cuộc thăm dò khác cho thấy đa số người Đức thích quốc hữu hóa phần lớn nền kinh tế Đức. Tại nước láng giềng Hà Lan, Đảng xã hội chủ nghĩa của Hà Lan (SP) tăng gần 3 lần số ghế của mình trong Quốc hội tại cuộc bầu cử gần đây nhất (2006), trong cuộc bầu cử địa phương năm ngoái đảng này cũng giành được thắng lợi lớn, và tiếp tục trên con đường phát triển lớn mạnh.
Tại Hy Lạp, chính đảng đang lên là Liên minh cánh tả cấp tiến (SYRIZA). Cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy uy tín của SYRIZA tăng lên gần 20%. SYRIZA đặc biệt nhận được sự ủng hộ của những cử tri trẻ tuổi. Liên minh cầm quyền “xanh-đỏ” bao gồm đảng Xã hội chủ nghĩa cánh tả (SLP), đảng Lao động (LP) và đảng Trung dung (CP) đã cầm quyền Na Uy suốt 3 năm qua.
Đây được mệnh danh là chính phủ cánh tả tại châu Âu, đã dừng tư nhân hóa các công ty của nhà nước và phát triển mạnh phúc lợi xã hội, y tế công và cải thiện chăm sóc sức khỏe cho người già như là những ưu tiên hàng đầu của mình.
Tại Tây Ban Nha, đảng cầm quyền Công nhân xã hội chủ nghĩa duy trì được cơ sở của cánh tả rộng khắp và đã được bầu lại thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa hồi tháng 3 vừa qua với việc thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero hứa sẽ đi theo “chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa”, tập trung vào những nhu cầu của công nhân và người nghèo.
Ý tưởng mà các đảng theo đường lối xã hội chủ nghĩa tại châu Âu đang theo đuổi rất gần với nội dung của các kế hoạch “cứu nguy kinh tế” đang được đưa ra tại hàng loạt nước.
Họ chủ trương tái quốc hữu hóa các xí nghiệp nhà nước đã được tư nhân hóa và ngưng lại tự do hóa hơn nữa đối với lĩnh vực công; kêu gọi áp dụng mức đánh thuế mới đối với những người giàu và phân chia lại của cải trong xã hội; bảo vệ phúc lợi xã hội trong đó công dân có quyền hưởng hưu trí đầy đủ và dịch vụ khám chữa bệnh không mất tiền; cực lực phản đối chiến tranh; chống lại kế hoạch mở rộng NATO.
HUY QUỐC