Từ truyện tranh đọc ngược đến nỗi lo về văn hóa

Hiện nay bắt đầu xuất hiện những công ty văn hóa chuyên nhắm vào mảng thị trường truyện tranh.

Truyện tranh trong nước có Phan Thị với loạt truyện Thần đồng Đất Việt rất được mến mộ. Với truyện tranh nước ngoài, nhất là truyện tranh dạng Manga đến từ Nhật Bản, tại thị trường Việt Nam nổi lên cái tên TVM Comics. Doanh nghiệp này đã rất thành công với hàng loạt truyện tranh ăn khách như Khỉ biển, Luật của UEKI, Cỏ 4 lá… Tại Hội sách TPHCM lần thứ 5 vừa qua, gian hàng TVM Comics đã thu hút rất đông bạn đọc trẻ đến tham quan mua sách, thể hiện sự quan tâm của bạn đọc đối các tác phẩm do TVM Comics phát hành.

Cũng tại đây, một thông tin ấn tượng được TVM Comics đưa ra khiến giới hâm mộ truyện tranh đón nhận đầy vui mừng. Giữa tháng 4, TVM Comics sẽ phát hành bộ truyện tranh Naruto, tác phẩm truyện tranh đang rất nổi tiếng trên cả thế giới, liên tục đứng đầu bảng truyện tranh được ưa thích nhất tại Nhật.

Thế nhưng, cũng kéo theo một bất ngờ cho người đọc. Theo thông báo của TVM Comics, bộ truyện tranh Naruto sẽ được in ấn theo kiểu đọc của Nhật, nghĩa là đọc từ phải qua trái thay vì kiểu đọc của người Việt Nam là từ trái qua phải. Cũng theo thông tin từ TVM Comics thì sắp tới đây các truyện tranh Manga của đơn vị này đều sẽ được in ấn theo cách này. Thậm chí, để huấn luyện bạn đọc kiểu đọc này, TVM Comics đã phát hành các tờ rơi hướng dẫn cách đọc theo kiểu từ phải qua trái.

Giải thích về lý do để truyện tranh xuất bản tại Việt Nam lại có cách đọc ngược như vậy, đại diện TVM Comics cho rằng do yêu cầu từ đối tác là các NXB của Nhật. Theo họ, truyện tranh Nhật vốn được sáng tác theo cách đọc từ phải qua nên nếu chuyển qua cách đọc từ trái sẽ làm đổi chiều hình ảnh, hỏng mất ý đồ của tác giả.

Cách giải thích như vậy hoàn toàn không thỏa đáng, trước nay đã có rất nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc xuất bản ở Việt Nam và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt mà không gặp trở ngại nào về phần cảm nhận do cách đọc không đúng như nguyên tác. Ngoài ra, vấn đề cách đọc là một yếu tố văn hóa đặc trưng của một dân tộc, một tác phẩm nước ngoài khi xuất bản trong nước ngay cả vấn đề nội dung còn phải xem xét cho phù hợp với văn hóa chứ không nói đến cách đọc. Nếu cứ đà này sẽ có lúc các tác phẩm văn học Nhật Bản xuất bản ở Việt Nam, người Việt Nam phải từ bỏ cách đọc quen thuộc để đọc từ phải qua trái nhằm “giữ ý tưởng tác giả”.

Theo khảo sát cuối năm 2007 của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ thì có tới 46% học sinh cấp 2 và 3 đọc truyện tranh. Nếu cứ để cho thị trường truyện tranh chạy theo lợi nhuận mà xuất hiện những tác phẩm lai căng về văn hóa đọc như vậy thì liệu sẽ có những ảnh hưởng không tốt thế nào đến bạn đọc nhỏ tuổi, những người vốn dễ bị lôi kéo bởi cái lạ. Hội nhập văn hóa không có nghĩa là chấp nhận mọi điều kiện từ nước ngoài dù phải đi ngược lại với văn hóa chung của dân tộc!! 

TÂN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục