Điển hình, chương trình Bạn muốn hẹn hò ra mắt hơn 5 năm, với hành trình mai mối hơn 1.600 người độc thân, kết quả hàng trăm cặp đôi đã tiến đến hôn nhân.
Tương tự là Love Bus cũng ghi nhận hàng trăm lời tỏ tình, hàng chục cặp đôi kết nối thành công và hiện đã nhiều cặp làm đám cưới.
Một loạt chương trình hẹn hò liên tục chiếm sóng trong “khung giờ vàng” của truyền hình từ trung ương đến địa phương như: Vì yêu mà đến, Khúc hát se duyên, Lựa chọn của trái tim, Quý cô hoàn hảo, Giai điệu chung đôi...
Tuy nhiên, trái với mong đợi, đa phần các game show về hẹn hò ra đời sau đều theo một mô típ quen thuộc, được dựng lên giữa những người chơi vốn khá nổi tiếng trong showbiz Việt, chứ không đơn thuần là cuộc chơi, cuộc tìm kiếm, chinh phục tình yêu của những con người bình thường trong phiên bản gốc từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, những ứng xử kỳ cục, thiếu tôn trọng lẫn nhau, thậm chí là thiếu văn hóa của người chơi, khiến các game show hẹn hò dần trở nên nhàm chán.
Sau giai đoạn đầu phát sốt, nửa cuối năm 2018 là lúc mà các show hẹn hò tỏ ra đuối sức về kịch bản và người tham gia. Thậm chí, một số chương trình phải đóng máy sau một vài số phát sóng vì lượng người xem, chia sẻ giảm sút nghiêm trọng.
Khi các game show hẹn hò trên truyền hình thoái trào thì các nhà sản xuất bắt đầu tính đến chuyện mở rộng loại hình dịch vụ này ra đời thực.
Chương trình tiên phong của loại hình này là Bạn muốn hẹn hò và offline (gặp gỡ thực tế) là hình thức nối dài của phiên bản đang phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM. Mỗi suất offline có trung bình 15 cặp nam nữ tham gia.
Những người đăng ký đã được ban tổ chức kiểm tra tình trạng nhân thân để phù hợp với các tiêu chí của nhau. Các cặp sẽ trò chuyện lần lượt để có thể phác họa sơ qua về các thành viên và trò chuyện sâu từ 3 - 5 phút với người mình có cảm tình...
Sau 8 tháng tổ chức thử nghiệm tại TPHCM và Hà Nội, chương trình này đã nhận được sự ủng hộ khá lớn và được đánh giá là dịch vụ mai mối an toàn và hiệu quả.