Nói đến những cô gái tài sắc mà long đong, phận bạc người ta hay gọi là “nàng Kiều”. Nói đến những kẻ đẹp mã chuyên đi lừa lọc (nhất là lừa tình) các cô gái nhẹ dạ thì người ta gọi là “Sở Khanh” hoặc “gã họ Sở”. Nói về những người đàn bà ghen tuông quá độ thì đã có một nhân vật không lẫn vào đâu được, chính là Hoạn Thư. Mã Giám Sinh là điển hình của những kẻ tỏ ra giàu có, sang trọng nhưng kỳ thực kém văn hóa.
Một tác phẩm thơ kinh điển khác của Việt Nam là Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu cũng có những nhân vật sống rất lâu trong nhân gian. Những người “giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha” được gọi là “những Lục Vân Tiên”, dù rằng nhân vật này không chỉ nổi bật ở làm việc nghĩa mà còn thủy chung, trung hậu, hiếu thảo, tài năng xuất chúng. Trung nghĩa, thẳng thắn thì đã có Vương Tử Trực; học dốt mà còn có máu “ba lăm” thì không ai khác hơn Bùi Kiệm...
Các tác phẩm văn học Việt Nam còn có nhiều nhân vật điển hình khác. Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao nổi tiếng với hành vi say sưa, chửi làng chửi xóm, rạch mặt ăn vạ… Xuân tóc đỏ trong Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với những trò hạ lưu của kẻ đá cá lăn dưa nhưng khi gặp may thì những câu nói phét, nói láo cũng trở thành chân lý, trở thành biểu tượng cho những kẻ vô học, gian manh gặp thời trở thành người có quyền thế, được trọng vọng.
Không chỉ từ những tác phẩm văn học, các tác phẩm sân khấu, điện ảnh cũng có những nhân vật điển hình hóa. Trùm Sò vốn là một nhân vật trong một vở tuồng đồ (tức tuồng do các nhà Nho nghèo sáng tác hoặc dựa theo tích dân gian) sáng tác bằng văn vần chữ Nôm, được dân gian thường gọi theo tên một số nhân vật trong tuồng, có tên là Ngao Sò Ốc Hến. Bây giờ, nói người nào keo kiệt, bủn xỉn thì từ “trùm sò” được dùng như một tính từ có mức độ phản ánh sự chính xác cao bậc nhất!
Tạo dựng được một nhân vật sống bền lâu trong đời sống là một mong ước của mỗi người cầm bút, sáng tác. Đó là năng lực điển hình hóa của tác giả, làm cho nhân vật thực sự là một biểu tượng, phản ánh một thái độ cụ thể và quyết liệt đối với một hiện tượng, một vấn đề nào đó của xã hội thông qua diễn biến tâm lý và số phận của nhân vật mà mình xây dựng.
Nếu nhân vật đó được đa số người đọc, khán giả đón nhận, chia sẻ, đồng cảm thì góp phần làm nhân vật trở thành biểu tượng. Điều đó dường như ngoài năng lực về chữ nghĩa, về nghệ thuật còn đòi hỏi sự nhạy cảm và thấu cảm của nhà văn để “đọc được” điều mà công chúng đang quan tâm. Xét cho cùng, đó là tài năng của người sáng tác.
Nên người sáng tác hãy làm sao cho nhân vật mình bước ra cuộc đời, có nghĩa là làm nhân vật sống trong cuộc đời thật. Đó là cách để tác phẩm và nhân vật trở nên bất hủ!