* Bà YUMI NISHIDA (Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Osaka, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Yoshimi, Nhật Bản):
Tự cường, vươn mình phát triển
Tôi sinh sống và làm việc ở Nhật Bản hơn 30 năm, nhưng trái tim tôi vẫn luôn hướng về nguồn cội. Trong thời đại hội nhập ngày hôm nay, từ tinh thần độc lập của cha anh đi trước, càng cần các thế hệ hôm nay nuôi lớn tinh thần tự cường, vươn mình phát triển, để đất nước giàu mạnh.
Với trách nhiệm của mình, tôi lập Công ty Yoshimi nhằm xúc tiến các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nhật Bản. Mong muốn là cầu nối giúp đưa hàng hóa Việt Nam chất lượng cao sang giới thiệu với người tiêu dùng ở Nhật Bản, cũng như phục vụ cộng đồng bà con Việt Nam tại Nhật Bản. Đồng thời, tôi tham gia Hội Doanh nhân Việt Nam ở Osaka - Nhật Bản (BAOVJ), để chắp cánh ước mơ cùng các doanh nhân Việt kiều góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà, thông qua các dự án đầu tư vào Việt Nam. Dự kiến sau khi Chính phủ Nhật kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, tôi sẽ khai trương Trung tâm trưng bày hàng Việt Nam chất lượng cao tại Osaka - Nhật Bản, để kết nối xuất khẩu, quảng bá các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao sang thị trường khó tính như Nhật Bản.
* Ông PETER HỒNG (Ủy viên Trung ương UBMTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - BAOOV):
Sứ giả tiềm năng trong hội nhập
Xa quê hương đất nước từ nguyên do nào thì mỗi dịp Quốc khánh trọng thể của đất nước, kiều bào đều có một tâm trạng mừng vui, một tâm thế tự hào. Tôi cũng vậy. Hơn 20 năm nay trở về quê hương, được trực tiếp hòa mình vào sự đổi thay của đất nước, niềm vui, lòng tự hào đó lại càng được bồi đắp, nhân lên.
Đất nước không ngừng đổi thay đã đạt được nhiều thành tựu nhờ vào sự hun đúc và khát vọng độc lập dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, dù ở phạm vi quốc gia hay ở TPHCM thì cũng cần xác định được đâu là nguồn lực, đâu là tiềm năng thế mạnh để khơi gợi, phát huy. Tôi hy vọng và tin tưởng trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục coi trọng công tác kiều bào, tạo điều kiện hơn nữa để mỗi một kiều bào, mỗi một doanh nhân kiều bào sẽ là sứ giả tiềm năng và hiệu quả trong hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Riêng với TPHCM, để tiếp tục khẳng định, phát huy hơn nữa vị thế của mình, TPHCM cần có những định hướng, lựa chọn lĩnh vực tiềm năng, mũi nhọn mang tính bền vững, đảm bảo được các mục tiêu về giá trị gia tăng, môi trường, dân trí, an sinh xã hội.
Khi trở về quê hương, bên cạnh sự trở về từ tình cảm, kiều bào luôn mong muốn được hành động để góp phần vào xây dựng quê hương đất nước. Nếu như trước đây, chúng ta cùng bên nhau đoàn kết giành độc lập dân tộc, thì hôm nay, tôi mong muốn là một cá nhân trong cộng đồng đoàn kết, cùng bắt tay nhau phát triển đất nước. Đối với tôi, điều trăn trở và dành nhiều tâm huyết là phát triển nền nông nghiệp sạch ở Việt Nam. Kết nối doanh nhân kiều bào và doanh nhân trong nước để chúng ta cùng nhau phát triển kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới là tâm huyết cá nhân, đồng thời là nhiệm vụ của tôi trong vai trò điều hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV).
Chúng tôi sẽ huy động, tập hợp nguồn lực để thực hiện Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” mà Thủ tướng vừa phê duyệt. Dự kiến, tháng 11-2020, BAOOV sẽ phối hợp Sở Ngoại vụ TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp ĐBSCL với doanh nghiệp kiều bào tại 52 tiểu bang Hoa Kỳ.
* Bà NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO (Kiều bào Nhật Bản):
Cần quan tâm đến người lớn tuổi và trẻ em
Chồng tôi là ông Inoue Yutak, cựu phóng viên của Báo Đảng Cộng sản Nhật, gắn bó với đất nước Việt Nam từ năm 1968 đến khi về hưu. Chồng tôi thường truyền tin trực tiếp về ngày Quốc khánh của Việt Nam đến các kiều bào, những người Nhật yêu nước đã luôn luôn giúp đỡ và hướng về người dân Việt Nam. Giờ đây, con trai tôi tiếp tục là Trưởng Tòa soạn Báo Đảng Cộng sản Nhật tại Hà Nội. Vì công việc và tình yêu với Việt Nam, cả gia đình tôi thường quan tâm và xúc động đặc biệt về ngày Quốc khánh 2-9.
Là một người con của TPHCM, tôi mong muốn thành phố mình phát triển bền vững hơn. Để người dân của TPHCM có chất lượng sống tốt và hạnh phúc, tôi cho rằng, thành phố nên chú trọng quan tâm đến đối tượng chính là người lớn tuổi và trẻ em. Đặc biệt, chú trọng đến môi trường giáo dục. Vợ chồng tôi thường đi du lịch đến các tỉnh trong cả nước và phát hiện những trường hợp khó khăn. Từ đó, chúng tôi tổ chức vận động quyên góp từ các kiều bào ở Nhật hoặc sẽ trực tiếp gửi về cho Hội Chữ thập đỏ. Đều đặn 2 năm một lần, tôi sẽ nhận nuôi các bạn sinh viên giỏi, ưu tú của chuyến Tàu Thanh niên Đông Nam Á khi ghé thăm Việt Nam. Tùy vào khả năng của mình mà tôi sẽ hỗ trợ các bạn hết lòng từ điều kiện vật chất, tinh thần đến nơi ở và những bữa ăn.
Bà DƯƠNG THỊ KIM DUNG (Kiều bào Mỹ):
Cùng xây dựng cuộc sống giàu tình thương yêu
Nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi xúc động khi được cùng các kiều bào xem lại những thước phim và hình ảnh tư liệu về cuộc đấu tranh gian khổ để giành độc lập của dân tộc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Đảng và Nhà nước thời gian qua mở rộng vòng tay đón tất cả những kiều bào về nước. Điều đó khiến bản thân tôi cảm thấy xúc động và tâm đắc trước những việc làm đầy nhân văn, ý nghĩa của đất nước.
Với TPHCM, là đô thị hiện đại và năng động nhất cả nước, tôi mong muốn thành phố chú trọng hơn nữa đến phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa con người. Văn minh, diện mạo đô thị luôn sạch đẹp, hiện đại đúng với vai trò là bộ mặt của cả nước. Cùng góp sức cho sự phát triển của TPHCM, tôi sẽ làm hết sức mình. Tôi đang làm trưởng nhóm thiện nguyện Thu Dung, cùng các bạn bè, đối tác đến những vùng còn nhiều khó khăn, giúp đỡ những trẻ em mồ côi, học sinh nghèo hiếu học, xây dựng cây cầu dân sinh, tặng những ngôi nhà tình thương, cưu mang những mảnh đời bất hạnh và nuôi những sinh viên nghèo hiếu học tại nhà tôi. Đó là những việc làm mà chúng tôi muốn cống hiến bằng cả tấm lòng.