Từ thiện và nghệ thuật

Dùng tác phẩm nghệ thuật để đấu giá gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện vốn là câu chuyện đẹp trong xã hội lâu nay. Nhưng cũng không có nghĩa vì mục đích nhân văn, mà người có lòng phải xí xóa cho những tác phẩm chưa thực sự xứng tầm.

Câu chuyện một triển lãm góp vào quỹ thiện nguyện cho trẻ em khuyết tật đang diễn ra tại TPHCM, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ bởi nghĩa cử cao đẹp của cuộc trưng bày và sự nổi tiếng của tác giả, nhưng để lại nhiều suy tư cho những người yêu nghệ thuật thật sự.

Không gian triển lãm không quá rộng với lối thiết kế tinh giản, hứng trọn ánh sáng tự nhiên và đèn trần, bày biện vào đó thật nhiều gối bông hình trái tim, được may bằng vải trơn không có bất kỳ hoa văn nào trên đó. Những chiếc gối hình trái tim nằm ngổn ngang trong không gian, người dự triển lãm thoải mái chụp ảnh, chạm vào gối bông và có thể mua mang về, số tiền này dùng vào việc gây quỹ thiện nguyện.

Để lý giải cho tính nghệ thuật trong triển lãm này, nhiều người cho rằng đây là hình thức conceptual art (tạm dịch: nghệ thuật khái niệm). Nhưng nếu gọi đó là conceptual, điều này cũng không hoàn toàn đúng với việc chỉ cần có concept (tạm dịch: ý tưởng/ý niệm), thì sẽ ra được tác phẩm nghệ thuật. Và thông điệp hay ý tưởng của tác giả thông qua tác phẩm cũng không diễn tới được với người xem, mà buộc lòng phải chú thích bằng ngôn từ thật nhiều.

Thước đo thành công của một tác phẩm nghệ thuật được nhìn nhận ở nhiều góc độ, nhưng một tác phẩm theo hình thức nghệ thuật khái niệm, người xem không chỉ tương tác qua thị giác mà còn có xúc giác, thính giác, thậm chí khứu giác…, phải dùng thật nhiều ngôn từ để miêu tả thông điệp tác phẩm, thì đó có lẽ là một thất bại nhiều hơn thành công.

Với tác phẩm tối giản, không đơn giản chỉ là quẹt miếng mực rồi rao bán giá vài ngàn USD. Tối giản đúng nghĩa là một tác phẩm được lược bỏ những điều “không cần thiết” theo ý đồ của tác giả, giữ lại những ý nghĩa được chắt lọc, thể hiện bằng hình dáng, đường nét và màu sắc siêu chắt lọc… Nó hoàn toàn khác với việc tạo dựng một tác phẩm nửa vời và sau đó, mọi thứ đều phải diễn giải bằng ngôn từ.

Tiêu chuẩn của một tác phẩm đương đại rất rộng và nó không dừng ở khái niệm đẹp hay mô phỏng một sự vật, sự việc nữa, vì những việc đó, máy ảnh hay điện thoại đều có thể làm được… Và tác phẩm để gọi là đương đại không thể là một sự tùy ý hay ngẫu hứng, mỗi chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất vẫn lồng ghép ý niệm nghệ thuật và học thuật một cách tinh tế.

Người làm truyền thông giỏi, đông đảo lượt theo dõi trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ tạo được một triển lãm có sức hút với khán giả. Nhưng sức hút này phản ánh chiều sâu trong thưởng thức mỹ thuật của người tham gia hay chỉ là bề nổi của trào lưu check-in, hẳn là vấn đề cần suy ngẫm để nâng tầm thẩm mỹ cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục