Theo đó, thành phố sẽ ứng dụng công nghệ số để phát triển, mở rộng kênh tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua kênh Zalo hình thành nền tảng ứng dụng mạng xã hội “Công dân Thủ đô số”; qua đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời.
Trong kế hoạch, TP Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu cần đạt như: 100% người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chọn thí điểm được tiếp cận, sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số” của thành phố. 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chọn thí điểm được tiếp nhận; trả kết quả nhanh chóng, kịp thời thông qua Ứng dụng “Công dân Thủ đô số”. 100% các cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị được lựa chọn thí điểm sử dụng thành thạo các chức năng, tính năng của ứng dụng “Công dân Thủ đô số” phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời.
Phạm vi thí điểm sẽ được triển khai tại một số sở của thành phố, như: Xây dựng, TN-MT, Y tế, GD-ĐT, GT-VT… và một số quận huyện. Việc triển khai thí điểm ứng dụng “Công dân Thủ đô số” sẽ tập trung vào nhiều nhóm nội dung, như: Tổ chức phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về chất lượng không khí; Phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về điểm, thông tin học bạ, sổ liên lạc của học sinh; Phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về quy hoạch Thủ đô; Cung cấp, chia sẻ thông tin về bản đồ úng ngập trên địa bàn thành phố; Cung cấp chia sẻ thông tin về phạt nguội các phương tiện giao thông… Thời gian thực hiện thí điểm ứng dụng “Công dân Thủ đô số” sẽ kéo dài tới hết tháng 6-2024.