Dệt may là ngành đang chịu ảnh hưởng bởi các đơn hàng của EU chuyển từ Việt Nam sang Bangladesh. Ảnh: VĂN PHÚC |
Ngày 25-10, Tạp chí Công thương tổ chức tọa đàm Tận dụng cơ hội từ các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại đây, ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), cảnh báo, hàng loạt cam kết quốc tế liên quan biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia (như giảm phát thải ròng bằng 0, giảm phát thải khí metan toàn cầu, chấm dứt phá rừng…) sắp tới sẽ không đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, mà sẽ ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam.
Ông Nguyễn Sỹ Linh |
Đại diện Bộ TN-MT ví dụ, ngành dệt may hiện nay đang bị ảnh hưởng rất nhiều khi các đơn đặt hàng của EU dần chuyển từ Việt Nam sang Bangladesh, do nước này thực hiện tốt yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, ít phát thải hơn.
“Gần đây, chúng ta cũng nói nhiều về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của Liên minh châu Âu. Trước mắt sẽ có 5 mặt hàng chính, liên quan phân bón, xi măng, sắt, thép… bị đánh thuế carbon”, ông Linh cho biết.
Theo chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển hướng sản xuất và phải đánh giá lượng phát thải khí nhà kính, nếu muốn đưa hàng vào châu Âu.
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Công thương) thông tin, bộ đã ban hành Kế hoạch hành động dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhằm giảm dấu vết carbon, tăng tỷ lệ tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, thông qua cơ cấu, thay đổi tỷ trọng các ngành, lĩnh vực có phát thải khí nhà kính lớn ở Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Tâm |
Ông Tâm cho biết, bắt đầu từ năm 2025, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính và chỉ còn hơn 1 năm để chuẩn bị. Danh mục cơ sở có phát thải khí nhà kính phải kiểm kê trong ngành công thương lên tới 1.662 trong tổng hơn 2.000 cơ sở, tức chiếm hơn 2/3 cơ sở của cả nước, đồng nghĩa ngành công thương có lượng phát thải rất lớn.
“Trong tháng 11, Bộ Công thương sẽ ban hành thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính để doanh nghiệp có cơ sở chuẩn bị”, ông Tâm chia sẻ. Đến thời điểm này, bộ đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền, phổ biến kế hoạch này đến cộng đồng doanh nghiệp, địa phương. Trong năm 2024, bộ sẽ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp các quy định kiểm soát phát thải khí nhà kính, tính toán được dấu vết carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Sỹ Linh cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động chuyển đổi ngay từ bây giờ. Những doanh nghiệp có mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất nên chuyển dịch năng lượng theo hướng vừa sử dụng tiết kiệm, vừa chuyển đổi nguồn năng lượng. Chẳng hạn, chuyển từ nguồn nhiệt điện sang năng lượng tái tạo để giảm dấu carbon cho sản phẩm của mình.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, mà các doanh nghiệp trong chuỗi nông sản, đặc biệt lúa gạo, cà phê, ca cao… xuất khẩu cũng phải nhanh chóng chuyển dịch để cập nhật kịp yêu cầu thị trường, do liên quan cam kết chấm dứt nạn phá rừng. Theo đó, doanh nghiệp cần xem hoạt động sản xuất, vùng nguyên liệu của mình có nằm trong khu vực xuất hiện tình trạng phá rừng không, đảm bảo hồ sơ sạch để hàng hóa có “tấm hộ chiếu” ra nước ngoài.
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), để chuẩn bị cho cam kết truy dấu carbon, đơn vị đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 tại 2 đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần Đạm Hà Bắc (bình quân lượng CO2 thu hồi hàng năm là 30.000-40.000 tấn CO2). Đồng thời, tất cả đơn vị thành viên được chỉ đạo đồng loạt trồng cây để tăng khả năng hấp thụ, lưu giữ carbon. Về chuyển dịch năng lượng, đến nay một thành viên khác là Cao su Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống điện áp mái và Đạm Ninh Bình cũng đang đầu tư hệ thống này.