Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP Huế cho biết, khoảng 18 giờ ngày 5-5-2019, tại khu vực cầu gỗ lim đi bộ trên sông Hương, ông Trần Xưng (53 tuổi, trú phường Kim Long, TP. Huế), neo đậu thuyền du lịch số hiệu TTH- 0075 ở nơi cấm neo đậu, rồi đốt, rải vàng mã trực tiếp xuống dòng sông.
Hành vi của ông Xưng bị ghi lại bằng clip, gửi về chuyên mục “Phản ánh hiện trường” của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên – Huế đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về sự không đồng tình từ phía người dân, kèm theo những bình luận về sự vô ý thức, vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hành vi ấy xảy ra trong thời điểm chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh” với phong trào “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng” cùng lời kêu gọi của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này với thông điệp: “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn”.
Công an TP Huế đã xác minh và làm việc, lập biên bản vi phạm đối với ông Trần Xưng về hành vi: “Vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng…” theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 3 triệu đồng, đồng thời xử phạt 400 ngàn đồng về hành vi neo đậu phương tiện không đúng nơi quy định.
Không như các cuộc vận động phong trào mang tính hình thức, đánh trống bỏ dùi, "Ngày chủ nhật xanh" do ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp chỉ đạo và cùng người dân đi nhặt rác, trồng hoa khắp nơi trên địa bàn tỉnh này hơn 3 tháng qua đã tạo sự lan tỏa sâu rộng.
Ấn tượng nhất là trên mạng xã hội, phong trào "tự sướng" cà phê sáng chủ nhật với áo là, quần lượt của thanh niên địa phương này dần thay bằng phong trào "tự sướng" với những hình ảnh dọn rác trên các trục đường, khu dân cư từ phố thị cho đến bản làng, thôn xóm hay các con sông, dòng kênh.
Chưa hết, ở các ngôi chợ lớn ở TP Huế như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự… một số bà con tiểu thương cũng như người đi chợ giờ đây đã nhận thức sâu sắc hơn về các tác hại từ chất thải nhựa và túi nilong gây ra nên dần thay thế bằng lá chuối hay túi vải thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp vô ý thức trong việc xả rác thải bừa bãi ở nơi công cộng bị báo chí, mạng xã hội “tố” vẫn xảy ra như một thách thức, dù rằng ở dưới nước cho đến trên bờ, những người công nhân môi trường đô thị phải làm việc cật lực mỗi ngày mới có thể giữ được cảnh quang cho Huế…
Một vài người không khỏi nghi ngại liệu mức xử phạt đã đủ rắn để có sức răn đe? Câu trả lời đã có từ chuyện ngành chức năng nghiêm khắc áp dụng mức phạt cao nhất đối với hành vi người lái thuyền xả rác lần này được sự đồng tình của rất nhiều người, bởi đến lúc, cần để mọi người biết cái giá phải trả cho hành vi này.
Bên cạnh đó, để lập lại kỷ cương, trật tự trong việc bảo vệ môi trường; lan tỏa lối sống tử tế với môi trường, đòi hỏi các cấp chính quyền ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong dân, trong các tầng lớp học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên thì cần tổ chức cho các cán bộ công chức, viên chức đơn vị mình tiên phong ký cam kết và gương mẫu thực hiện nghiêm túc phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; định kỳ tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại trụ sở làm việc; xây dựng “Công sở văn minh, sạch đẹp”... Đồng thời, áp dụng thường xuyên và mạnh mẽ hơn việc phạt nguội người có hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường như xả rác thải, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng thông qua hình ảnh trích xuất từ camera của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên – Huế. Nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo… nhằm biến nó thành trào lưu cho cả cộng đồng, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng thông qua cuộc thi “Thử thách dọn rác” do Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên – Huế phát động.
“Đây không phải là công việc một sớm một chiều, mà cần phải làm thường xuyên, liên tục, thay đổi từ tư duy đến hành động của người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Từ đó bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và hình thành lối sống văn minh, văn hóa đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường trong cộng đồng và toàn xã hội” - ông Phan Ngọc Thọ tin tưởng và mong muốn phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tiếp tục lan tỏa trong toàn xã hội, nhận được sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của người dân trong việc thực hiện phương châm hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng.
Nhặt rác rồi quay clip có thể nhận thưởng 10 triệu đồng - Một hoạt động đang được cộng đồng mạng khắp nơi trên thế giới tham gia là “Thử thách dọn rác”. Thể lệ rất đơn giản: chỉ cần chụp ảnh bãi đất có nhiều rác, dọn sạch, rồi sau đó chụp bãi đất đã sạch và đăng ảnh lên mạng. Vậy ở Thừa Thiên - Huế có ai tham gia không? Và liệu hoạt động này có thể duy trì được lâu? >> Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên - Huế cho biết, thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị đã phát động Chương trình “Hành động để thay đổi – Vì một Huế xanh”, trong đó cuộc thi “Thử thách dọn rác” là hoạt động chính nhằm hưởng ứng chiến dịch “Challenge for change” đang được lan tỏa mọi nơi trên thế giới. Chương trình được áp dụng cho tất cả mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, quốc tịch, chỉ cần là người trực tiếp tham gia dọn rác và địa điểm dọn rác ở Thừa Thiên - Huế, bài dự thi gồm ảnh hoặc video về hoạt động dọn rác cần được đăng tải lên trang Facebook của chương trình. Thời gian dự thi được bắt đầu từ ngày 00 giờ ngày 15 tháng hiện tại đến 23 giờ 59 ngày 14 tháng tiếp theo. Kết quả sẽ được Ban tổ chức công bố hàng tháng, bài thi có số lượt bình chọn cao nhất sẽ được tuyên dương và trao thưởng. “Sau một tháng thực hiện, chương trình đã nhận được rất nhiều nội dung đăng ký tham gia của các cá nhân và tập thể với những hình ảnh phản ánh chân thực về hoạt động tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, có 15 đội, nhóm đã tham gia “Thử thách dọn rác” cùng với những hình ảnh trước và sau khi dọn rác kèm theo hashtag #huegreen trên trang facebook cá nhân và gửi về trang Fanpage “Hành động để thay đổi – Vì một Huế xanh”. Kết quả, giải nhất được trao cho nhóm Nắng chiều với video “Thử thách dọn rác” tại khu vực xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy. Giá trị của giải nhất trong tháng 3 này là 10 triệu đồng. |