Tử tế hay phản cảm?

LTS: Sau vụ việc liên quan đến clip “xin vía học giỏi” gây bức xúc dư luận của YouTuber Thơ Nguyễn, câu chuyện về nội dung trên YouTube vẫn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Bên cạnh những nội dung phản ánh giá trị sống tích cực, còn đó nhiều nội dung “rác”, phản giáo dục. Đủ các chiêu trò câu view, cũng như chạy theo lợi ích kiếm tiền trên kênh chia sẻ video này.

Lằn ranh giữa những nội dung mang ý nghĩa nhân văn, giá trị tích cực với những nội dung phản cảm, thậm chí phản giáo dục trên YouTube chưa bao giờ mong manh đến thế…

Những hình ảnh giản dị của kênh Ẩm thực mẹ làm đã chinh phục khán giả


Chọn tử tế

Cuối năm 2020, kênh Ẩm thực mẹ làm của 2 mẹ con Dương Thị Cường và Đồng Văn Hùng (Phú Bình, Thái Nguyên) trở thành một trong những đại diện Việt Nam tham dự YouTube FanFest 2020. Đầu năm 2021, video gói bánh chưng truyền thống Việt Nam của hai mẹ con được trang Fanpage của YouTube, có gần 100 triệu lượt theo dõi, giới thiệu đến toàn thế giới. Theo Hùng, “đây là động lực giúp mình và mẹ tạo ra nhiều hơn những video mang nhiều giá trị tốt đẹp đến mọi người trong và ngoài nước”.

Thành lập cuối tháng 2-2019, Ẩm thực mẹ làm hiện thu hút gần 100 triệu lượt xem (view) với hơn 905.000 lượt theo dõi. Hàng trăm video ghi lại cảnh sinh hoạt, hình ảnh người mẹ với những bữa cơm quê bình dị, gần gũi chạm vào vùng ký ức của nhiều thế hệ người Việt. Nhiều video cán mốc hàng triệu lượt xem, dù chưa phải quá nhiều so với các kênh văn hóa ẩm thực nhưng đã tạo được một lối đi riêng biệt. “Tôi nghĩ thành công của kênh là xây dựng hình ảnh người mẹ làm nhân vật chính xuyên suốt câu chuyện; là khung cảnh làng quê bình dị, tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương; là những món ăn dân dã, mộc mạc chứa đựng tuổi thơ bao người”, Hùng chia sẻ. Trên fanpage của mình, khi kêu gọi bình chọn tại Wechoice 2020, nhóm 1977 Vlog từng dành nhiều đánh giá tích cực: YouTuber tử tế là một cụm từ mình gọi những người làm nội dung hướng đến sự tích cực, không scandal, không lố lăng phản cảm. Trong số đó, mình cảm phục nhất kênh Ẩm thực mẹ làm - một kênh YouTube được bạn bè quốc tế vinh danh.


Ở lĩnh vực ẩm thực, kênh Khói lam chiều cũng tạo được những dấu ấn nhất định với video về món ăn đậm chất miền Tây dân dã. Trong khi đó, bỏ qua những lùm xùm liên quan đến nghi vấn “đạo nhái”, kênh Bếp trên đỉnh đồi tái hiện cảnh sống thường nhật, những bữa ăn đậm chất núi rừng Tây Bắc. Chủ nhân của hai kênh này đều là những cô gái trẻ với quyết tâm “bỏ phố về quê”.

Hình ảnh kênh “Chan la cà” và “Ẩm thực mẹ làm” được đánh giá có nội dung tốt

Giữa hàng trăm ngàn kênh YouTube tại Việt Nam, không khó để kể tên những đại diện tiêu biểu. Ở lĩnh vực du lịch, là kênh Khoai lang thang của Đinh Võ Hoài Phương, chàng trai sinh năm 1991 “yêu du lịch, thích tìm hiểu văn hóa và thử những món ăn ngon”. Thành lập đầu năm 2017, kênh này hiện có hơn 1,5 triệu lượt theo dõi, với nhiều video triệu view.

Kênh YouTube Chan La Cà của Hoàng Minh Tuấn với gần 150.000 lượt theo dõi gần đây cũng được chú ý với các video trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và đời sống. “Nội dung trên kênh của tôi thường là những câu chuyện thật, về những con người bình dị trên khắp nẻo đường Việt Nam. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của khán giả, vì vậy luôn cố gắng để các cảnh quay tuy ở trên YouTube nhưng vẫn ra chất điện ảnh và chỉn chu để thể hiện sự nghiêm túc với nghề và cũng để mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người xem”, Minh Tuấn chia sẻ.

Xấu, độc tràn lan

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều kênh YouTube để có lượt người xem, lượng người theo dõi đã bất chấp mọi cách, kể cả việc đăng tải các nội dung câu khách, phản cảm. Sự việc mới đây nhất của Thơ Nguyễn liên quan đến clip “xin vía học giỏi” là bằng chứng. Trước đó, kênh YouTube Hưng Troll của Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog - YouTuber sở hữu nhiều kênh với hàng triệu người theo dõi) xuất hiện hàng loạt clip phản cảm: nấu cháo gà nguyên lông, nhốt em gái vào chuồng chó hay chỉ cách trộm tiền đi ăn chơi… Và còn đó những clip văng tục, chửi thề, đánh nhau, hay thậm chí là những hành động vi phạm pháp luật như đốt xe của kênh YouTube Khá Bảnh; quảng cáo game cờ bạc trá hình của kênh Huấn Hoa Hồng; ăn cá sống của nhóm thanh niên tại Sơn La… Đối với trẻ em, những nội dung độc hại liên quan đến các video mang tên “Thử thách Momo”; các nhân vật hoạt hình công chúa Elsa, công chúa Bạch Tuyết, người nhện (Spiderman) được diễn viên hóa trang và có nhiều chi tiết “người lớn”… cũng từng gây bức xúc trong dư luận.

Theo chị Ngọc Ánh (quận Bình Thạnh, TPHCM), với môi trường mở trên YouTube, người xem rất dễ rơi vào cạm bẫy của các nội dung xấu, độc và bị ảnh hưởng. Ngoài nội dung từ các video, chị Ngọc Ánh bức xúc khi nhiều quảng cáo xuất hiện dày đặc, phản cảm, mà phổ biến thời gian gần đây là “nhà tôi 3 đời nhận chữa xương khớp” (từ phản ánh của Báo SGGP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng này - PV). Chị Lan Trần (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Không hiểu sao những quảng cáo đó lại được cấp phép, được phép chen ngang những nội dung khác trên YouTube?”.

Kênh Hưng Vlog và Thơ Nguyễn với nội dung phản cảm

Liên quan đến thế giới showbiz, không thiếu các video phản cảm. Tháng 12-2020, đám tang nghệ sĩ Chí Tài chứng kiến cảnh rất nhiều YouTuber chen lấn, xô đẩy để cố gắng ghi lại bằng được bất kỳ hình ảnh liên quan. Thậm chí, không ít video phát trực tiếp nhưng có nội dung giả mạo với mục đích “câu” lượt thích (like), view. Câu chuyện các YouTuber “hoành hành” tại đám tang của các nghệ sĩ Việt từng bị lên án rất nhiều lần nhưng hành động này vẫn diễn ra nhan nhản, với kịch bản lặp lại tương tự. Là người trong cuộc, chị Dương Bảo Thủy, chủ kênh YouTube cùng tên ở lĩnh vực giải trí, với hơn 200.000 lượt theo dõi và hơn 100 triệu lượt view nêu ý kiến: “Các sự kiện đám tang lớn, công khai thường rất đông YouTuber đến đưa tin. Trong đó có cả những người tập tành làm và những người tò mò tìm cơ hội thử làm nên không thiếu các hình ảnh phản cảm. Những YouTuber làm mảng xã hội, khi gặp thần tượng nghệ sĩ lần đầu, dễ thiếu kiềm chế nên đôi lúc dẫn đến hình ảnh không đẹp”.

YouTuber hiện được xem là nghề thời thượng. Người cao niên hay thanh niên đến từ bản làng xa xôi, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet là có thể lập kênh. Và, chính những lời truyền tai nhau về việc làm YouTube dễ dàng kiếm tiền, trở thành triệu phú, tỷ phú… khiến không ít người bất chấp tất cả để nổi tiếng, giúp kênh có nhiều người theo dõi, tăng lượt view. Ám ảnh bạc tỷ đó đã tạo ra hệ lụy khôn lường. Nếu ví YouTube như cái chợ, thì việc kinh doanh mặt hàng gì và kinh doanh sao cho hiệu quả, chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, nhất là với những “tay mơ”.

-------

Bài tiếp theo: Ám ảnh bạc tỷ

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến 1977 Vlog, kênh YouTube được xem là hiện tượng khi mới thành lập vào tháng 8-2019, hiện đã thu hút gần 2,4 triệu lượt view. Hơn một nửa trong tổng số 13 video của kênh này đạt hơn 10 triệu view/video. “Hít hà drama (kịch tính), kể một story (câu chuyện), bóc một vài fault (thói xấu) và một đống những clip hài hước về cuộc sống xung quanh chúng ta theo phong cách 1977” đã tạo nên phong cách độc nhất cho 1977 Vlog của anh em 9X Trung Anh - Việt Anh.

Ở mảng dành cho trẻ em, các bé và các bậc phụ huynh có vô vàn lựa chọn với nội dung đa dạng, bao gồm cả thuần Việt và Việt hóa. Có thể kể đến các kênh nổi bật: Pop’s Kids, BHMEDIA, NiDo Channel, Boomerang Vietnam, Vina Cartoon, Babybus, Chú Heo Peppa, CocoMelon…

Tin cùng chuyên mục