Tử tế dài lâu

- Trên cánh đồng vừa gieo sạ mới đây ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), đàn cò nhạn hàng ngàn con hàng ngày sà xuống bắt ốc bươu vàng. Dõi theo cánh cò, người nông dân yên bụng, bởi cò lượm những con gây hại cho chuyện trồng cấy, mà cũng không đạp hư mạ.

- “Cò bay thẳng cánh” cũng là để nói về sự hòa hợp ngàn đời giữa nông dân xứ mình với những loài thân thuộc với ruộng đồng. Rồi khi thúc ép của năng suất vọt lên, nông dân mới hăm hở với phân bón, thuốc trừ sâu. Nhưng mấy thứ này lại làm chim cò sợ hãi dạt đi. Lần hồi, khi con người dần thấu hiểu về những thứ gây hại cho mình, chuyện xài lậm chất độc hóa học mới bắt đầu giảm.

- Ở đời, mọi thứ ngon lành đều cần sinh nảy chậm rãi. Có tái tạo nào mà vội vã được đâu. Con người luôn dí theo lợi ích, nhưng nếu cái lợi đó hại cho nhiều loài khác, chắc chắn cũng gây hại cho con người. Nương nhau để sống, người có lúa có tôm thì cũng dành phần kiếm ăn an toàn cho chim muông.

- Ai cũng phải trả giá rồi mới thấm. Canh tác hợp tự nhiên, tuy năng suất không cao lắm, nhưng đất đai, nguồn nước, không khí đỡ nhiễm độc. Chất lượng hạt lúa hay cây trái thu hoạch tăng lên, bán lại được thêm tiền. Giữ chất lượng nông sản liên quan chặt chẽ tới giữ môi trường. Tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên là biểu hiện của niềm tử tế dài lâu.

Tin cùng chuyên mục