Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II được triển khai từ năm 2013 đến nay là sự tiếp nối Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I với nhiều hoạt động nhằm hệ thống hóa mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1.000 năm lịch sử.
Kết quả trong 7 năm thực hiện, đến nay, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã bổ sung thêm 40 đầu sách với 74 tập thuộc tất cả các lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Văn học Nghệ thuật, Tư liệu tổng hợp.
Các đầu sách được tổ chức nghiên cứu, biên soạn chặt chẽ, nghiêm túc như thực hiện các đề tài khoa học thông qua một quy trình nghiêm túc từ khâu đề cương cho đến hoàn thiện bản thảo sau nghiệm thu.
Ở hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay, Tủ sách đã được số hóa toàn bộ sách và tư liệu thuộc giai đoạn I và sẽ tiếp tục tổ chức số hóa sách và tư liệu giai đoạn II nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. Số trang sách và tư liệu đưa vào số hóa lên đến hơn 200.000 trang.
Tủ sách cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những kiến thức cần thiết về lịch sử, địa lý môi trường thiên nhiên và cư dân trên vùng đất này để từ đó nhìn thấy được những bước phát triển về mọi mặt của Thăng Long qua 1.000 năm lịch sử.
GS-TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học, Trưởng ban tư vấn chuyên môn mảng sách địa lý, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu các đề tài, chủ biên đề tài trong cơ cấu tủ sách đánh giá cao chủ trương của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội khi quyết định đầu tư xây dựng tủ sách.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định: "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thật sự là nơi các nhà khoa học, các chuyên gia dành rất nhiều tâm huyết và tận lực cống hiến tài năng và trí tuệ vì một thủ đô văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình. Những người làm khoa học chúng tôi rất vui mừng và tự hào được đóng góp một phần công sức cho thành công của tủ sách. Giá trị của tủ sách này chắc chắc sẽ được kế thừa phát huy theo thời gian".